PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, trong quá trình chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2019 tại tỉnh Đắk Lắk, phần mềm phát hiện hơn 1.400 lỗi trên bài của thí sinh và nhanh chóng được xử lý theo đúng quy định.
Năm nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 20.588 thí sinh dự thi với 60.401 bài thi trắc nghiệm.
Ông Dũng cho biết, ban chấm trắc nghiệm qua phần mềm chấm thi đã phát hiện sửa lỗi đến hơn 1.400 bài thi (chiếm khoảng 2% trên tổng số bài thi).
Lỗi do thí sinh tô số báo danh bị sai hoặc mờ nên phần mềm báo lỗi, không chấm được. Năm nay phần mềm rất tốt nên nhanh chóng báo lỗi, cán bộ chấm nhờ đó xử lý kịp thời không để thí sinh bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, trong khi quét bài thi trắc nghiệm, ban chấm thi đã phát hiện một vài trường hợp bất thường. Thí sinh có tên trong danh sách dự thi nhưng thực tế trong danh sách thu bài lại không dự thi hoặc trong phần mềm báo thí sinh vắng thi nhưng trong danh sách thu bài lại có.
Cũng theo ông Dũng, sau khi chấm xong thì nhà trường đã chuyển cho Sở GD-ĐT địa phương để thực hiện công bố theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Tại tỉnh Bình Thuận, đại diện trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng cho biết đã chấm xong toàn bộ gần 32.000 bài thi trắc nghiệm. Số bài thi bị lỗi cũng ít và được phần mềm hỗ trợ nên việc sửa lỗi khá thuận lợi.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Vĩnh Long, cũng cho biết cơ bản đã hoàn tất khâu chấm thi, chỉ còn làm một vài công đoạn cuối, thống kê, báo cáo Bộ GD-ĐT. Tại Vĩnh Long có hơn 30.000 bài thi trắc nghiệm nhưng số bài thi có lỗi rất ít.
Trước đó, tại Thanh Hóa, Ban chấm thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phụ trách việc chấm bài thi trắc nghiệm, kỳ thi cũng phát hiện có 1.500 bài thi của thí sinh mắc lỗi. Cơ bản lỗi là do thí sinh tô sai số báo danh và mã đề. Hai lỗi này nếu thí sinh tô sai bắt buộc phải sửa, nếu không sửa thì phần mềm không chấm được.
“Để tìm ra 1.500 bài này hoặc là tô mờ, hoặc là tô rồi nhưng mà đã tẩy đi thì phải mở gần 12.000 bài trong số hơn 102.000 bài ra để xem, phần mềm cảnh báo phải làm. Chỉ có hai cái, một cái sai thì phải sửa; còn một cái máy nghi ngờ và khuyến cáo nên xem. Chúng tôi làm hết trách nhiệm, vì quyền lợi của thí sinh”, đại diện trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định lại.
Theo Lê Phương/Dân trí