Nghị quyết 29 quy định Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020 nên học sinh THCS sẽ được miễn học phí.
Sáng 4/7, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ giới thiệu những điểm mới của Luật Giáo dục năm 2019, trong đó quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục THCS.
Học sinh tiểu học trong các trường công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh phải theo học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ học phí (mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định). Trẻ mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.
Luật cũng nêu rõ, Chính phủ quy định lộ trình miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS. "Miễn học phí cho học sinh THCS là mục tiêu, cụ thể hóa Nghị quyết 29 của Trung ương để thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm", ông Độ nói.
Nghị quyết 29 quy định Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ giới thiệu Luật Giáo dục sáng 4/7 tại Văn phòng Chủ tịch nước. Ảnh: HT
Một điểm mới của Luật Giáo dục là quy định nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và giảng viên đại học. Theo đó, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non được nâng từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; giáo viên THCS từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên. Giảng viên được nâng từ trình độ đại học lên thạc sĩ.
"Để bảo đảm tính khả thi, không làm xáo trộn công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, Luật Giáo dục đã giao Chính phủ quy định lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS", Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói.
Ông Độ cho biết, trong dự thảo ban đầu, lộ trình đến năm 2026 có thể chuẩn hóa trình độ giáo viên. Tuy nhiên, sau khi Luật được thông qua, phải có đánh giá tác động, khảo sát, Bộ cũng cần lộ trình tham mưu với Chính phủ hướng dẫn thực hiện nên trong luật không ghi thời gian cụ thể. Khi cơ quan soạn thảo thẩm định, đánh giá tác động, sẽ đưa ra lộ trình khả thi.
So với luật hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi cũng đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục; luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường; quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm; quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục.
Luật Giáo dục 2019 được thông qua sáng 14/6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi ban đầu đưa quy định miễn học phí bậc THCS cho học sinh trường công lập, nhưng sau đó bị đưa ra khỏi dự luật do hai bộ Tài chính và Nội vụ không đồng ý. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Chính phủ thống nhất chủ trương miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập. Theo quy định của Luật Giáo dục, phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật. Giáo dục bắt buộc là giáo dục mà mọi công dân trong độ tuổi quy định bắt buộc phải học tập để đạt được trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo đảm điều kiện để thực hiện. |
Theo Hoàng Thùy/VnExpress