Chiều 2/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chấm thi tại Hà Giang
Quyết lấy lại niềm tin
Báo cáo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông Nguyễn Thế Bình - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang năm 2019 cho biết, toàn tỉnh có hơn 5.000 bài thi tự luận và trên 25.400 bài thi trắc nghiệm.
Ngay sau kết thúc phần coi thi ngày 27/6 tất cả các điểm thi đã chuyển bài thi của thí sinh về Sở GD&ĐT Hà Giang để nộp cho Hội đồng chấm thi.
Ngày 28/6, Sở đã tiến hành bàn giao toàn bộ bài thi tự luận cho Ban làm phách để tiến hành làm phách theo quy định. Đến ngày 30/6, Ban làm phách đã hoàn thành việc làm phách, sau đó đã bàn giao toàn bộ bài thi cho Ban thư ký và Ban chấm thi để tiến hành chấm thi theo tiến độ.
“Công tác chấm thi diễn ra từ ngày 30/6 và phấn đấu kết thúc vào ngày 6/7. Đến thời điểm này đã quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm. Đơn vị chấm bài thi trắc nghiệm là Học viện Kỹ thuật Quân sự đã chuyển giao đĩa CD0, lưu giữ file ảnh gốc bài làm của thí sinh và gửi cho Chủ tịch hội đồng thi.
Còn đối với bài thi tự luận, đến thời điểm này, chúng tôi đã tiến hành chấm xong 2 vòng của 31 túi bài thi và đang tiến hành khớp điểm giữa các giám khảo; đồng thời tiến hành nhập điểm, thực hiện chấm cuốn chiếu để đảm bảo đúng tiến độ” - ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, rút kinh nghiệm năm 2018, Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, có chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Hà Giang có những chỉ đạo rất khác biệt so với một số tỉnh. Chẳng như: Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBDND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo thi. Hình thành thêm Ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố. Giao cho Phó chủ tịch UBND phụ trách khối văn xã làm trưởng Ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố…
Đặc biệt, ở các Ban chỉ đạo này có thêm thành phần là Chủ tịch UBND các xã , thị trấn trên địa bàn. Qua đó giúp triển khai nhiệm vụ thi từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn. Hà Giang quyết tâm lấy lại hình ảnh, niềm tin của nhân dân, cán bộ, giáo viên và xã hội đối với Kỳ thi.
Bộ trưởng yêu cầu việc giám sát các khâu chấm thi phải được thực hiện thường xuyên, đột xuất trong suốt thời gian chấm thi.
Tuyệt đối không được để xảy ra bất kỳ tiêu cực
Cho rằng, yếu tố con người quyết định đến thành công của kỳ thi, ông Nguyễn Thế Bình nhấn mạnh: Với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Sở GD&ĐT đã báo cáo với tỉnh Ủy, UBND tỉnh sớm chuẩn bị nhân sự cho kỳ thi.
“Theo đó, quy trình lựa chọn được thực hiện rất kỹ. Chúng tôi yêu cầu các cơ sở giáo dục lựa chọn, giới thiệu nhân sự về cho Sở. Sau đó Sở tiếp tục họp để lựa chọn nhân sự và lập danh sách chi tiết gửi sang Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để thẩm tra, cho ý kiến. Sau đó chúng tôi báo cáo UBND tỉnh trước khi quyết định giao nhiệm vụ vào từng khâu cụ thể của kỳ thi” - ông Bình cho hay.
Trao đổi với cán bộ chấm thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quán triệt công tác chấm thi THPT quốc gia cần thực hiện đúng quy chế, nghiêm túc, trung thực. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý, công tác chấm thi tuyệt đối không làm tắt các bước theo quy định của quy chế và hướng dẫn.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng yêu cầu việc giám sát các khâu chấm thi phải được thực hiện thường xuyên, đột xuất trong suốt thời gian chấm thi; tuyệt đối không được để xảy ra bất kỳ tiêu cực, gian lận hoặc sai sót nào trong chấm thi làm ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan của Kỳ thi THPT quốc gia.
Theo Hồng Hạnh/Dân trí