Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, thông tin đề thi lọt ra ngoài sau khi thí sinh làm bài thi khoảng hơn 60 phút là không chính xác.
Ông Mai Văn Trinh trao đổi với báo chí ngày 25.6. Ảnh: Minh Phong
Đầu giờ chiều 25.6, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đã lên tiếng về thông tin "lọt đề" thi Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Ông Trinh khẳng định, thông tin đề thi lọt ra ngoài sau khi thí sinh làm bài thi khoảng hơn 60 phút là không chính xác, mà đề thi ra ngoài sau khi thí sinh đã làm bài 2/3 thời gian.
“Với tinh thần nghiêm túc, PA03 Phú Thọ đã xác minh thông tin. Đây là thí sinh tự do. Hiện 2 cán bộ coi thi đã bị đình chỉ. Thí sinh cũng đã bị đình chỉ thi ngay lập tức”, ông Mai Văn Trinh nói.
Đề thi Ngữ văn được thí sinh Phú Thọ "tuồn" ra ngoài phòng thi.
Hiện công an đang tiếp tục điều tra làm rõ trường hợp này. Bộ GDĐT cũng đã ngay lập tức chỉ đạo, chấn chỉnh toàn hệ thống về kỷ luật thi.
Còn theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, lúc 9h11 sáng 25.6, tại điểm thi THPT Thanh Sơn, phát hiện thí sinh T.Đ.X (sinh năm 1998, số báo danh 15008797, phòng thi số 0377 là thí sinh tự do) mang điện thoại vào phòng thi.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Phú Thọ đã làm việc trực tiếp với điểm thi Trường THPT Thanh Sơn và chỉ đạo: Đình chỉ thi đối với thí sinh T.Đ.X, giao cơ quan Công an huyện Thanh Sơn điều tra, làm rõ. Đồng thời báo cáo sự việc với Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Phú Thọ.
Đình chỉ nhiệm vụ coi thi đối với 2 cán bộ coi thi tại phòng thi xảy ra vi phạm nói trên. Quán triệt để các cán bộ coi thi trong các buổi tiếp theo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm đúng quy chế.
Thông tin của Lao Động, trong hai giám thị phòng thi để thí sinh làm "lọt đề" có một người là giảng viên Học viện Ngoại giao, còn một người là giáo viên Trường THPT Minh Hòa - Phú Thọ.
Lộ đề - Lọt đề khác nhau thế nào? Lộ đề thi được hiểu là truyền đề thi ra ngoài khi còn chưa mở túi niêm phong đề thi. Trong khi đó, đề thi được quy định là Tài liệu bí mật Nhà nước độ Tối mật (theo Quyết định 59/2016/QĐ-TTg). Nếu lộ đề thi sẽ bị xử phạt hành chính đến 50 triệu đồng, theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP; nghiêm trọng hơn, có thể sẽ bị xử lý hình sự về Tội làm lộ bí mật Nhà nước với mức phạt cao nhất 10 năm tù, theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong trường hợp lộ đề thi, thí sinh có thể sẽ phải thi lại hoặc hoãn thi nếu chưa thi. Còn lọt đề thi được hiểu là đề thi được phát tán ra bên ngoài nhưng sau khi mở túi niêm phong và đề thi đã được phát cho thí sinh. Theo quy định, sau khi hết 2/3 thời gian làm bài, thí sinh mới được rời khỏi phòng thi. Trước khi hết thời gian làm bài, đề thi “tuồn” ra ngoài thì được coi là lọt đề thi. Trường hợp lọt đề thi không làm ảnh hưởng đến kết quả làm bài thi của các thí sinh. Người làm lọt đề thi, tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Quy chế thi THPT quốc gia nêu rõ, phạt cảnh cáo áp dụng đối với người phạm một trong các lỗi: Để thí sinh quay cóp, mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi; chấm thi không đúng hướng dẫn hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT; truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ Giáo dục. Hình thức buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự được áp dụng khi cán bộ vi phạm lỗi: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh. |
Theo Đặng Chung/Lao động