Theo thống kê của NXB Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, có ít nhất 50 triệu bản sách và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu tại rất nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Sách giáo khoa lậu, học sinh chịu thiệt hại
Sách giáo khoa lậu, học sinh chịu thiệt hại
Câu chuyện sách lậu đã nóng từ rất lâu và chưa bao giờ hạ nhiệt. NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), First News, Thái Hà, Nhã Nam là các đơn vị có số lượng xuất bản phẩm bị in lậu nhiều nhất, trong đó NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) là đơn vị bị in lậu số đầu sách với tổng số bản sách lớn nhất.
Theo thống kê của NXBGDVN, từ năm 2010 đến nay, có ít nhất 50 triệu bản sách và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu tại rất nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Riêng trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 năm 2019, cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng sách giả lên tới 120.000 bản và 87.000 đĩa tiếng Anh các loại làm giả sản phẩm của NXBGDVN chỉ tại hai địa bàn Hà Nội và Bình Định.
Tại Hà Nội, ngày 22/5/2019, tại Hoài Đức, Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện kho sách in lậu, sách giả gồm tới 47.000 bản sách giáo khoa, sách bổ trợ các cấp từ tiểu học, THCS cho đến THPT và 87.000 đĩa tiếng Anh các loại… làm giả sản phẩm của NXBGDVN.
Tại Bình Định, ngày 12/6/2019, Đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh Bình Định đã tạm giữ 72.602 cuốn sách có dấu hiệu in lậu sách của NXBGDVN, không có hoá đơn chứng từ hợp lệ bao gồm sách tiếng Anh, tin học, các loại vở bài tập, sách bổ trợ Tiểu học, THCS, THPT.
Thiệt hại lớn nhất từ vấn nạn sách lậu thuộc về độc giả, học sinh và giáo viên. Khi mua phải sách in lậu, sách giả, học sinh phải học tập trên các cuốn sách có giấy in và mực in kém chất lượng.
Đáng lo ngại là khi sách giáo khoa in lậu đến được tay học sinh. Các cuốn sách này với những sai sót về màu sắc và nét chữ sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức tiếp nhận của học sinh.
Đặc biệt, đối những cuốn sách có nội dung liên quan đến bản đồ sẽ nguy hiểm cho học sinh ở các kiến thức liên quan đến biên giới, biển đảo và lãnh thổ.
Lãnh đạo một Nhà Xuất bản cho biết, sách in lậu đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp và làm triệt tiêu sự sáng tạo của các tác giả; Cản trở việc trao đổi bản quyền giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; Làm tổn hại uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi mà chúng ta đã tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.
Đáng nói hơn, ngoài việc gây thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản, làm thất thu cho ngân sách nhà nước… hành vi in và phát hành sách lậu còn “tàn phá” thị trường kinh doanh xuất bản phẩm lành mạnh, đồng thời góp phần phát tán những cuốn sách có tư tưởng chính trị sai lệch, nội dung văn hóa không lành mạnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ sách giáo dục bị in lậu tại một cửa hàng bán sách tại Quy Nhơn, Bình Định
Vì sao sách lậu vẫn hoành hành ?
Lãnh đạo nhiều Nhà Xuất bản cho biết, chế tài xử phạt đối với hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu còn quá nhẹ, chủ yếu là xử phạt hành chính. Để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi nạn in lậu sách, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, triệt để và đồng bộ.
Trước hết là cần phải điều chỉnh, nâng cao khung hình phạt đối với hành vi in và phát hành sách in lậu. Các cơ quan quản lí nhà nước cần nghiên cứu, sớm sửa đổi Nghị định 159 để có chế tài phù hợp, đủ sức răn đe với hành vi in và đặc biệt là đối với hành vi phát hành sách in lậu.
Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên thanh, kiểm tra các cơ sở in và các nhà sách. Cần sử dụng các biện pháp mạnh, kiên quyết đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, tránh tình trạng xử nhẹ, phạt hành chính bởi số tiền xử phạt thường là rất nhỏ (vài chục triệu) so với lợi nhuận thu được từ hành vi in và phát hành sách in lậu (hàng chục tỉ đồng).
Các độc giả cần “Nói không” với sách in lậu để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Đối với sách giáo khoa, giáo viên, phụ huynh và học sinh cần tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của NXBGDVN, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường.
Theo Thái Bình/Dân trí