Để tổ chức rèn luyện kỹ năng quân sự thành công, cần vượt qua nhiều thách thức, trong đó, với học sinh thành phố, khó khăn nhất là quá trình "vượt sướng."
Một trải nghiệm trong Tuần quân sự. (Ảnh: Kim Anh/Vietnam+)
Việc giáo dục cho học sinh nắm được những kiến thức cơ bản về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, về truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam là rất cần thiết. Nhiều trường coi giáo dục quốc phòng-an ninh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Song để tổ chức rèn luyện kỹ năng quân sự thành công, cần vượt qua nhiều thách thức, trong đó, với học sinh thành phố, khó khăn nhất là quá trình "vượt sướng."
11 ngày học kỹ năng quân sự và kỹ năng sinh tồn
"Tuần quân sự" không chỉ giáo dục quân sự mà từ đó còn "truyền lửa" cho thế hệ trẻ. Những lần tập huấn, giáo dục quân sự sẽ đóng góp vào việc hình thành nhân cách của học sinh. Tính kỷ luật, sự tuân thủ nếp sống hòa trong niềm chung vui thực sự sẽ rất hữu ích cho học sinh.
Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội là ngôi trường tự chủ về tài chính được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là trường chất lượng cao. Một trong những tiêu chí quan trọng để được công nhận và tiếp tục nâng cao chất lượng là việc xây dựng các chương trình học tập và trải nghiệm cho học sinh. Việc tổ chức khóa rèn kỹ năng quân sự thực thụ, đạt chất lượng tốt là điểm làm nên “học hiệu” cho cơ sở giáo dục này.
Nhà trường kết hợp trang bị kỹ năng sống cho học sinh trong quá trình rèn luyện kỹ năng quân sự. Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm kỹ năng sống IOGT-VN-Sóc Sơn-Hà Nội đảm nhiệm tổ chức, quản lý và giảng dạy cho học sinh 2 nội dung giáo dục quốc phòng an ninh và kỹ năng sống. Thời gian “nhập ngũ” của học sinh là 11 ngày, từ ngày 26/5 đến 5/6/2019.
Theo chương trình huấn luyện, học sinh được sống trong 11 ngày làm "tân binh." Các em được học về điều lệnh đội ngũ, kỹ thuật, chiến thuật bộ binh, kỹ năng tháo lắp súng, bắn súng..., kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sắp đặt nội vụ...; làm quen với nếp sống có tổ chức, có kỷ luật, rèn luyện tác phong nhanh nhẹn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các “chiến sỹ học trò” cũng được bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị trước, trong và sau khi huấn luyện, kiểm tra, hội thao, thi kết thúc môn học.
Cuối khóa học, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như Trung tâm kỹ năng sống IOGT-VN-Sóc Sơn-Hà Nội sẽ cấp bảng điểm cùng với Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình học giáo dục quốc phòng và an ninh và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình kỹ năng sống cho học sinh-sinh viên. Chứng chỉ được quốc tế công nhận và phù hợp đặc biệt với những học sinh có định hướng du học.
(Ảnh: Kim Anh/Vietnam+)
Kinh phí tham gia học quân sự quốc phòng đã nằm trong học phí năm học. Tuy nhiên, những trường hợp việc học và thi không đạt chứng chỉ, hay học sinh có những vi phạm khó chấp nhận, Trung tâm huấn luyện và nhà trường sẽ yêu cầu cha mẹ học sinh đón về ở thời điểm vi phạm. Năm sau, học sinh phải học lại cùng khóa học sinh lớp dưới và chịu toàn bộ kinh phí học lại. Yêu cầu hoàn thành tốt khóa học cũng giống như phải đạt được các chứng chỉ có giá trị quốc tế về Tiếng Anh, Tin học là quy định nằm trong chuẩn đầu ra của trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú-Đống Đa khi học sinh tốt nghiệp cấp 3.
Chính vì để học sinh rèn tính tự lập nên nhà trường đề nghị cha mẹ học sinh không lên thăm trong thời gian con học tại trung tâm. Ban giám hiệu nhà trường chỉ mời phụ huynh tham gia Lễ xuất quân tại trường và Lễ bế giảng Khóa học của các con. Thực tế, có bố mẹ nhớ con quá, chỉ biết xem ảnh con và các bạn trên website và facebook của trường, rồi đếm từng ngày...
Xa điện thoại, xa phòng điều hòa, xa cơm mẹ nấu…
Tham gia đợt rèn luyện này, học sinh không được mang và sử dụng theo điện thoại di động. Đây cũng là cơ hội để các con “cai nghiện điện thoại” và tránh lệ thuộc các thiết bị công nghệ, nhờ vậy ngày trải nghiệm với đời sống chiến sỹ mới sâu sắc và thành công.
Chúng tôi lên thăm học sinh K22 tại Trung tâm huấn luyện quân sự ở Hòa Lạc đúng vào ngày các con tham gia vào chương trình giáo dục Kỹ năng sống. Bài học có nhan đề là "Kỹ năng sinh tồn." Các "tân binh" phải tự thân vận động. Các con phải tham gia bắt cá, tự nướng thịt, tự chế biến thức ăn. Nhiều nhóm, các con châm bếp than củi, khói mù mịt, nước mắt chảy giàn giụa, bụng đói, í ới nhau vì ai cũng lần đầu “nấu cơm bằng bếp theo kiểu khổ thế này," một học sinh khẽ nói.
Bắt được cá đã khó, lúc cầm que xiên cá để nướng, các con lại thốt lên với nhau: "Nướng mãi không chín, khi chín thì lại cháy..." Có nhóm "bí quá" phải trông cậy vào thầy giáo dạy quân sự hỗ trợ.
Học sinh tự nướng thịt. (Ảnh: Kim Anh/Vietnam+)
Không chỉ lo cơm nước để ăn, các "chiến sỹ" còn phải rèn luyện và học tập đầy đủ và nghiêm túc. Nhưng khi được ngồi ăn những thứ phải cay mắt, mỏi tay... nhọc nhằn mới có, mắt các chiến sỹ K22 ánh lên niềm vui, thứ niềm vui mà nếu chỉ ở nhà "nằm phòng điều hòa, ăn cơm mẹ nấu" sẽ không bao giờ có được.
Chương trình rèn luyện kỹ năng quân sự cho học sinh trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú-Đống Đa đã đem đến cho học sinh nhiều trải nghiệm mới. Là học trò sống ở trung tâm thành phố, quen được bố mẹ bao bọc, hầu hết các con nay mới lần đầu được trải nghiệm sự vất vả, gian nan nhưng thực sự vui và ý nghĩa.
Qua mỗi đợt rèn luyện, "các chiến sỹ học sinh" sẽ thấm thía nhiều điều để thêm quý và hiểu giá trị của tình bạn, của lao động, của kỷ luật và của tình yêu thương./.
Theo Nguyễn Kim Anh (Vietnam+)