Những thay đổi tích cực diễn ra trong tâm hồn, khối óc của học sinh (HS) – trách nhiệm lớn thuộc về nhà trường, thầy cô giáo.
Tạo ra trường học hạnh phúc trong hoàn cảnh còn khó khăn. Ảnh: TG
Làm sao để HS nhận ra những sai lầm và tự sửa chữa tiến bộ; HS tới trường trong hào hứng mong muốn; GV luôn lắng nghe, thấu hiểu và coi học trò như những đứa con tại trường… Điều đó đòi hỏi sự chuyển động mạnh mẽ từ đội ngũ nhà giáo để tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả, tạo nên môi trường giáo dục hạnh phúc.
Kỷ luật tích cực thay trừng phạt áp đặt
Những cơ chế ứng phó của HS khi bị cha mẹ, thầy cô áp đặt kỷ luật có thể kể tới như: Chống đối, thách thức, đánh nhau, hung hăng, nói dối, che giấu sự thật, đổ lỗi cho người khác, cảm thấy mình thất bại, tổn thương về tâm thần, cảm thấy không an toàn…
Khi kỷ luật áp đặt từ bên ngoài sẽ tạo ra ở HS những hành vi nghiêm trọng mà người lớn không thể chấp nhận được. Chính vì vậy, thay thế kỷ luật áp đặt bằng thúc đẩy khả năng tự kỷ luật cho HS là giải pháp hiệu quả trong giáo dục ở các nhà trường hiện nay. Giáo dục cần trao cho HS vai trò chủ động, để các em cùng tham gia vào việc xây dựng quy tắc, nội quy, giám sát quá trình thực hiện đúng những gì mình đã thiết lập.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Diệp – Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã mang đến một ví dụ cụ thể trong việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực và những chuyển biến của HS tại trường.
Quy định cấm hút thuốc lá tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) từng được đề ra như tất cả các môi trường học đường khác. Tuy nhiên, ai cũng biết Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thành lập với mục đích đón nhận những HS có kết quả học tập không cao và có vấn đề về mặt đạo đức, ý thức cũng như có nhiều khó khăn về tâm lý. Do đó việc HS hút thuốc khá nhiều, nhà trường đã đưa ra các biện pháp ngăn cấm khác nhau kèm theo nhiều hình thức kỷ luật nhưng đều không có hiệu quả. HS vẫn lén lút hút thuốc trong nhà vệ sinh hoặc thậm chí trong lớp học những khi không có thầy cô giáo trên lớp.
Trước tình trạng này, ban lãnh đạo nhà trường đã đưa ra nội quy mới cho phép HS đăng ký tự cai nghiện thuốc lá. Trường mở một góc hút thuốc dành cho HS, chỉ HS nào đăng ký tự cai nghiện mới được hút thuốc và chỉ hút ở đó. Tất nhiên kèm theo điều kiện các em phải cam kết hút với số lượng giảm dần. Kết quả đã có sự cải thiện đáng kể tình trạng HS nghiện thuốc lá.
Từ sự thay đổi tích cực này, có thể nhận thấy việc để HS chủ động tham gia vào kiểm soát bản thân rõ ràng là một thái độ tích cực. Bản chất của nó xuất phát từ việc nhà giáo dục trao cho HS quyền tự đặt ra mục tiêu và cố gắng thực hiện mục tiêu tự thân đó. Nhà giáo đã có sự chuyển động tư duy và đổi mới phương pháp giáo dục từ bị động (HS mắc lỗi thì xử phạt theo quy định) sang chủ động (kéo HS vào quá trình GD). Giống như cơ chế của một trò chơi mà HS vừa là người thách đấu vừa là người bị thách đấu. Các em phải nỗ lực để tự chiến thắng bản thân mình.
Bên cạnh trao truyền tri thức, GV cần quan tâm chia sẻ với mọi HS. Ảnh: TG
Để HS cảm nhận hạnh phúc trong trường học
Sự chuyển động của thầy cô trong tư duy, phương pháp giáo dục, coi HS làm trung tâm của mọi nỗ lực đổi mới bản thân… sẽ vô cùng quan trọng để làm nên trường học hạnh phúc.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, mỗi nhà giáo dục cần tạo cho bản thân những thói quen ứng xử tốt, văn minh, tôn trọng từng cá nhân, bao gồm cả HS. Và để làm được điều đó, cần nắm chắc một số các nguyên tắc cơ bản trong quá trình dạy học.
Để phát huy nội lực, nâng cao năng lực trình độ, hạn chế trong quá trình thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp… mỗi người thầy cần tự đánh giá được bản thân, có ưu điểm hạn chế nào. Từ đó các nhà QLGD sẽ kiến thiết hệ thống nhà trường với tầm nhìn, mục tiêu thống nhất, tạo động lực phát triển tiềm năng của từng GV và xây dựng môi trường giáo dục phát triển toàn diện. |
Trước hết, đó là sự kiên trì và khoan dung trước những hành vi thái độ không chuẩn mực của HS. Mỗi khi vấn đề nảy sinh, điều quan trọng không phải là giải quyết ngay lập tức mà nên tìm hiểu xem vì sao, do sự thiếu hụt nào mà HS xử sự như vậy. GV khi tức giận thường lấp đầy cảm xúc giận dữ, bực tức nhất thời, khiến thầy cô quên đi rằng mỗi HS làm điều gì đó không thích hợp có nghĩa các em không được thỏa mãn về mặt nào đó. Bởi vậy, thấu cảm và kiên nhẫn là những thái độ mà nhà giáo dục nói chung cần có ngay từ đầu.
Mặt khác, thầy cô cần tôn trọng và khách quan trong việc nhìn nhận, xem xét và đánh giá hành vi của HS. Mỗi hành vi hay thái độ không chuẩn mực của HS cần được hiểu bằng một thái độ tôn trọng, một cách khách quan, trung lập và công bằng, xem xét kĩ lưỡng nguyên nhân và biểu hiện rồi mới đi đến quyết định xử lý. Nhà giáo cần tỉnh táo nhận rõ bản thân mình để không định kiến, chụp mũ hoặc thờ ơ với thiếu sót của HS.
Đặc biệt, mỗi nhà giáo cần gieo nhu cầu, hứng thú và có phương pháp tổ chức cho HS thực hiện các yêu cầu giáo dục. Ngoài những yêu cầu giáo dục chung, GV cũng cần biết kích thích đúng những sở trường cá nhân, những mong muốn của HS để từ đó đưa ra những hình thức sinh hoạt tập thể phong phú, bổ ích và thỏa mãn nhu cầu của cả hai bên (GV và HS).
GV cũng có trách nhiệm giúp HS hiểu rõ bản chất của sự việc để từ đó HS lựa chọn cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực của xã hội, của nhà trường. Đồng hành cùng HS, giúp HS hòa nhập tập thể trên tinh thần tôn trọng người khác, tôn trọng tập thể và lợi ích của tập thể, cộng đồng…
Rõ ràng mấu chốt để thay đổi hành vi của HS, giúp HS trở thành những cá thể độc lập, trưởng thành và chín chắn nằm ở sự chuyển biến của đội ngũ nhà giáo về tư duy, phương pháp giáo dục. Sự chuyển biến đó cũng cần thiết và quan trọng để hạn những tiêu cực giáo dục có thể xảy ra.
Theo Đức Trí/Giáo dục và Thời đại