Được nhắn tin "E xjn pkep’ ngkj nka. Mơn ckj nhìu", chị Ánh ngơ ngác không hiểu gì, sau mới biết là nhân viên xin phép nghỉ.
"Ckj ui, hum nay nk4 e ko' viek, e xjn pkep’ ngkj nka. Mơn ckj nhìu!", tin nhắn của nhân viên khiến chị Ánh (30 tuổi, quản lý một cửa hàng bánh mì tại Cầu Giấy, Hà Nội) bực mình vì không hiểu gì. Hỏi nhân viên, chị được giải thích là "Chị ơi, hôm nay nhà em có việc, em xin phép nghỉ nha. Cảm ơn chị nhiều".
Công việc cửa hàng bận rộn nên nhiều lúc chị Ánh cùng vào bếp phụ làm bánh. Một lần nghe nhân viên thu ngân báo chuẩn bị "một bánh mì trứng cay sương sương", chị ngạc nhiên không biết làm gì. Hỏi ra "sương sương" chỉ kiểu trang điểm nhẹ nhàng ở Hàn Quốc, nhưng được bạn trẻ sử dụng trong nhiều tình huống. Ở đây "bánh mì trứng cay sương sương" nghĩa là bánh mì trứng ít cay.
Sau nhiều tháng tiếp xúc với sinh viên sinh năm 1998-2000, chị Ánh nhận thấy giới trẻ đang sử dụng ngôn ngữ khác lạ, được gọi là teencode. Sau nhiều lần ngơ ngác không hiểu gì, nhắc nhân viên cũng không bỏ được, chị mày mò học theo. Giờ chị hiểu và biết cách sử dụng ngôn ngữ khác biệt này.
Khi muốn thông báo với nhân viên cửa hàng "Hôm nay chị bận, các bạn tự làm việc nhé. Mai chị qua kiểm tra", chị Ánh viết: "Hum nay ckj pa^n, cb tự lv nk3. M4j ckj wa check". "Ban đầu mình không thích teencode, sau khi được nhân viên chỉ cho vài từ viết tắt nhanh, mình thấy nó cũng tiện, tiết kiệm thời gian", chị Ánh chia sẻ.
Rất thích sử dụng teencode khi chat với bạn bè, Hồng Anh (học sinh lớp 8 trường Nam Từ Liêm, Hà Nội) giải thích: "Bố mẹ thường kiểm tra điện thoại, tin nhắn của em. Khi em dùng teencode, bố mẹ, thầy cô hay người lớn chắc chắn không dịch được nên nói chuyện với bạn bè sẽ thoải mái hơn".
Không chỉ đảm bảo bí mật, teencode giúp Nguyễn Minh (sinh viên năm 3 khoa Sư phạm Trung, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) tránh phải viết từ ngữ thô tục khi nhắn tin với bạn bè. "Bạn bè thi thoảng nói tục, em thấy các từ tục đó đỡ vô duyên hơn khi viết bằng teencode", Minh nói.
Teencode được thế hệ cuối 8x, đầu 9x lan truyền trên Zingme, Yahoo, Blog360. Trào lưu này bắt nguồn từ bộ truyện tranh nổi tiếng Thám tử lừng danh Conan, khi tác giả biến đổi từ KID (tên nhân vật truyện) thành 1412 (14 = KI, 12 = D). Những năm 2007-2012, dạng ngôn ngữ này phát triển mạnh mẽ, với đủ cách biến tấu chữ sao cho càng rối càng tốt. Thậm chí, có cả công cụ chuyển đổi chữ Việt sang teencode để bạn trẻ sử dụng.
Nguyên tắc viết teencode là sử dụng chữ cái hoặc số để thay thế từ/cụm từ như "ph = f", "ng = g/q", "o = 0", "e = 3", "vk/ck = vợ/chồng", "s2 = trái tim", "bt òy = biết rồi"... Ví dụ câu "C đlgt? Cko mjk lw nk4 s2", dịch thành "Cậu đang làm gì thế? Cho mình làm quen nha (biểu tượng trái tim).
Hiện nay, giới trẻ sử dụng thêm nhiều từ viết tắt, tiếng lóng cùng teencode. Viết tắt là cách ghép các chữ cái đầu tiên trong cụm từ, ví dụ: "chs = chả hiểu sao", "klq = không liên quan", "gato = ghen ăn tức ở"... Hoặc viết tắt cụm từ tiếng Anh như "btw = by the way/nhân tiện", "lol = laugh out loud/cười lớn"...
Teen cũng thích sử dụng từ lóng, kiểu như "gấu" (người yêu), "thả thính" (hành động một người cố tình quyến rũ một hay nhiều người), "bánh bèo" (cô gái tiểu thư yếu đuối)... Nhiều teen sử dụng từ lóng tiếng Anh như "no table" (miễn bàn), "like is afternoon" (thích thì chiều), "thứ high/thứ bar" (thứ hai, thứ ba)...
"Người lớn hay chê ngôn ngữ teen khó hiểu, rắc rối, nhưng bây giờ bạn bè đều viết vậy, nếu mình không dùng sẽ thấy lạc lõng lắm", Minh nói. Tuy nhiên, sau khi lên đại học, tiếp xúc với nhiều người lớn, Minh nhận ra teencode sẽ là rào cản khi giao tiếp với các thế hệ khác. Vì vậy, em chỉ sử dụng khi nói chuyện với bạn bè và đảm bảo câu chữ rõ ràng, mạch lạc khi nói chuyện với người lớn tuổi.
"Mình nghĩ việc sử dụng teencode không sai vì nó thể hiện sự sáng tạo riêng của thế hệ, nhưng cũng không nên lạm dụng ngôn ngữ này mà làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt", nữ sinh kết luận.
Theo Tú Anh/VnExpress