Sở GDĐT Quảng Ninh vừa có công văn yêu cầu các trường dừng ngay việc thu các loại tiền sau: May đồng phục học sinh, in sách vở mang tên trường, trang phục, dụng cụ phục vụ học tập… Việc này đã bị cấm từ lâu, nhưng Sở phải ra công văn cấp tốc sau khi dư luận phản đối việc một trường tiểu học ở TP.Hạ Long có ý định may bộ đồng phục thứ 6 cho học sinh.
Theo các phụ huynh, việc may đồng phục là cần thiết nhưng không nên lạm dụng để lạm thu. Ảnh: Nguyễn Hùng
Đại diện trường này cho biết nhà trường không làm việc đó, mà do một Cty may tư nhân ở Hà Nội đến gặp và đưa phiếu đăng ký may đồng phục năm 2019 – 2020 cho đại diện Ban phụ huynh.
DN tư nhân may mặc ở Hà Nội gửi thư chào hàng tới một trường tiểu học ở Hạ Long. Ảnh: CTV
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ninh, Ban phụ huynh hoạt động dưới sự quản lý của nhà trường, nên bất kỳ hoạt động nào trong khuôn khổ nhà trường thì hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm cũng phải chịu trách nhiệm.
“Từ lâu đã có quy định cấm tổ chức thu tiền may đồng phục trong nhà trường và cũng không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục. Nếu muốn may đồng phục, nhà trường và ban phụ huynh thống nhất một mẫu rồi để các phụ huynh tự ra ngoài may” – ông Tuế cho biết.
“Thực ra, may đồng phục cũng cần thiết, nhưng mỗi học sinh chỉ cần 2-3 bộ là cùng và vài năm may một lần. Nếu học sinh nào có đồng phục bị rách hoặc chật thì có thể liên hệ may ngoài theo mẫu đã có sẵn” – phụ huynh Nguyễn Đức Tường, TP.Hạ Long đề xuất.
Tiền nộp hằng tháng của 1 học sinh tiểu học. Các phụ huynh chỉ thắc mắc về khoản thu “Tin nhắn điện tử“: 20.000 với 12 tin/tháng, trong khi đã có zalo, facebook. Ảnh: Nguyễn Hùng
Theo phản ánh của phụ huynh và giáo viên, cứ chuẩn bị hết năm học, lại xuất hiện khá nhiều doanh nghiệp đến các trường “chào hàng”, từ may mặc đến đồ dùng học tập, sách vở, lương thực, thực phẩm..., với hy vọng đến đầu năm học mới, có thể gửi gắm được “hàng” vào trường.
Bà Hoàng Thu Hiền – Trường phòng Giáo dục – Đào tạo thị xã Quảng Yên – cho biết, mới đây, một Cty phần mềm tại Hà Nội đến giới thiệu một sản phẩm ưu việt trong việc quản lý học sinh, kết nối giữa nhà trường và phụ huynh, dù lâu nay đã có khá nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng cho mục đích này. Việc chọn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các phụ huynh.
Các phụ huynh kiến nghị nhà trường và Ban phụ huynh nên cố gắng giảm gánh nặng tài chính không đáng có, đừng để DN “gửi gắm”, bởi có quá nhiều khoản phải đóng góp, trong khi đó nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Sao cứ phải in tên trường lên vở viết? Việc in tên trường lên vở viết của học sinh đã bị cấm từ lâu, nhưng hầu như trường nào cũng làm như vậy, gây bức xúc cho phụ huynh. Bởi giá thành tăng và muốn cho, tặng học sinh các trường khác, nhất là học sinh nghèo cũng không được. “Sao cứ phải in tên trường lên sách vở làm gì? Nhà trường chỉ nên thông báo mỗi học sinh cần bao nhiêu vở rồi để các phụ huynh tự đi mua” – Phó Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ninh Nguyễn Văn Tuế chia sẻ. 3.000 đồng/tin nhắn, có quá đắt? Dù hầu như lớp nào cũng lập nhóm trên Zalo, Facebook để các phụ huynh và giáo viên trao đổi việc học tập của con em, nhưng các trường vẫn thuê dịch vụ nhắn tin điện tử với giá đắt đỏ. Có trường thu 20.000 đồng/học sinh/tháng với 12 tin; có trường thu 12.000 đồng/học sinh/tháng với 4 tin. Như vậy, trung bình mỗi tin giá từ 1.600 – 3.000 đồng, trong khi một tin nhắn của Viettel, Vinaphone… chỉ khoảng 300 đồng. |
Theo Nguyễn Hùng/Lao động