11
/
74654
Vào đại học không phải là con đường duy nhất của người trẻ
vao-dai-hoc-khong-phai-la-con-duong-duy-nhat-cua-nguoi-tre
news

Vào đại học không phải là con đường duy nhất của người trẻ

Thứ 5, 06/06/2019 | 12:00:50
785 lượt xem

Theo Nguyễn Thị Thùy Linh và Nguyễn Quang Vinh, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM, vào đại học không phải là lối đi duy nhất, nếu bản thân có sự say mê, nỗ lực sẽ dẫn đến thành công.

Nguyễn Thị Thùy Linh trong một lần khảo sát lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. (Ảnh TTXVN phát)

Nguyễn Thị Thùy Linh trong một lần khảo sát lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. (Ảnh TTXVN phát)

Vào đại học không phải là lối đi duy nhất, nếu bản thân có sự say mê và nỗ lực sẽ có nhiều con đường dẫn đến thành công.

Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Thùy Linh và Nguyễn Quang Vinh - hai sinh viên tiêu biểu ở Khoa Điện-Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, khi được hỏi lý do chọn vào học ở một trường nghề, sau khi đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông.

Với suy nghĩ đó, các sinh viên này đã và đang nỗ lực rèn luyện, học tập để sớm trở thành những người thợ giỏi nghề, có trình độ ngoại ngữ, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động thời hội nhập quốc tế.

Nữ sinh viên giỏi nghề điện công nghiệp

Tại Hội thi Học sinh-Sinh viên giỏi nghề năm 2019 do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh năm 1998, sinh viên năm thứ ba, Khoa Điện-Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, là thí sinh nữ duy nhất tham gia môn thi: Nghề điện công nghiệp.

Tại hội thi, Linh đã xuất sắc hoàn thành bài thi về lắp đặt điều khiển động cơ và mạch chiếu sáng cầu thang, vinh dự được nhận giải ba của Hội thi.

Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết em quê ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ngay từ ngày còn học phổ thông, Linh rất yêu thích những ngành học liên quan đến máy móc, kỹ thuật. Linh cho rằng hiện nay khoa học kỹ thuật, công nghệ điều khiển tự động phát triển, cho phép nam và nữ đều có thể làm việc ở nhiều ngành vốn trước đây thường “kén nữ” như điện, cơ khí.

[87 trường THPT ngoài công lập xét tuyển bằng]

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Linh đã chọn vào học ngành điện, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, với mong muốn trở thành một thợ điện giỏi, làm chủ các thiết bị điện hiện đại. Vào trường, say mê với ngành học mình đã chọn, Linh luôn là sinh viên có kết quả học tập xuất sắc trong lớp.

Nhận xét về Linh, thạc sỹ Tôn Ngọc Triều, Trưởng khoa Điện-Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức khẳng định: Thùy Linh có các tố chất đáp ứng tốt yêu cầu của một thợ điện lành nghề. Đó là sự dũng cảm, quyết đoán, song cũng phải hết sức tỉ mỉ, kiên trì, thận trọng, bình tĩnh để đảm bảo an toàn, chính xác ở từng thao tác trong quá trình làm việc.

Khi quyết định chọn Linh vào đội tuyển dự Hội thi Học sinh-Sinh viên giỏi nghề, các thầy cô trong khoa và trường đều đánh giá rất cao khả năng của Linh.

Tại hội thi, Linh đã thực hiện xuất sắc việc đo đạc, tính toán dây điện, khoan, đục, lắp ráp các thiết bị để hoàn chỉnh bài thi về lắp đặt điều khiển động cơ và mạch chiếu sáng cầu thang.

Bên cạnh đó, ở phần thi lý thuyết, Linh cũng nắm rất vững nguyên tắc, quy định khắt khe, chặt chẽ, liên quan đến chuyên môn của nghề điện công nghiệp.

Thầy giáo Nguyễn Phát Lợi, thầy chủ nhiệm lớp của Nguyễn Thị Thùy Linh đánh giá: Em là nữ sinh viên có thái độ học tập rất nghiêm túc, cầu thị, ham học hỏi. Trong quá trình học, Linh luôn thể hiện mong muốn tìm hiểu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật điện. Linh còn chủ động đề đạt nguyện vọng được tham gia nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng Mặt Trời.

Say mê với con đường đã chọn, Linh đang cùng một số sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường mang tên: Mô hình tưới tự động và điều hòa nhiệt độ cho vườn rau gia đình sử dụng năng lượng Mặt Trời kết hợp với mạch Arduino. Với đề tài này, nhóm sinh viên mong muốn việc sử dụng điện năng lượng Mặt Trời sẽ vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Vao dai hoc khong phai la con duong duy nhat cua nguoi tre hinh anh 1Nguyễn Thị Thùy Linh đoạt giải ba tại Hội thi Học sinh-Sinh viên giỏi nghề năm 2019. (Ảnh TTXVN phát)

Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ bên cạnh việc đảm bảo chương trình thực tập trong năm học cuối cùng ở trường, Linh cũng đặt ra kế hoạch trau dồi ngoại ngữ. Bởi lẽ trong bối cảnh hiện nay, người thợ giỏi có ngoại ngữ là một lợi thế, giúp họ tìm kiếm được việc làm không chỉ ở trong nước, mà còn ở nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực ASEAN.

Nêu cao tính gương mẫu của đảng viên trẻ

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1995, quê ở tỉnh Ninh Thuận, đã quyết định thi vào Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.

Trước đó, trong thời gian là chiến sỹ nghĩa vụ ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận, Vinh đã nỗ lực rèn luyện, phấn đấu và vinh dự được giới thiệu là quần chúng ưu tú để xem xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, Vinh đã chính thức trở thành đảng viên. Ở trường, là một đảng viên-sinh viên, Vinh luôn gương mẫu trong học tập, rèn luyện, thường xuyên nhắc nhở, động viên các bạn trong lớp chấp hành nghiêm nội quy của nhà trường, tham gia đầy đủ tiết học cả về lý thuyết và thực hành để sau khi tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng của một người thợ lành nghề.

Đối với các bạn có hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa yên tâm với việc học nghề, Vinh đã cùng các thành viên trong lớp, chi đoàn, chi bộ sinh viên và thầy cô thường xuyên chia sẻ, động viên, giúp đỡ các bạn hoàn thành chương trình học đúng tiến độ. Ngoài việc học tập ở trường, Nguyễn Quang Vinh còn tích cực tham gia hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường như các hoạt động tình nguyện.

Nguyễn Quang Vinh cho biết sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, em quyết định vào học tại trường cao đẳng nghề là để có thể nhanh ra trường, đi làm, phù hợp với hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn và lực học của bản thân.

Theo Vinh, hiện nay nhu cầu nhân lực đối với công nhân vững tay nghề, có khả năng thích ứng, làm việc trong nhiều môi trường khác nhau là rất lớn. Do đó, mỗi bạn trẻ tùy theo khả năng và sự yêu thích của mình nên xác định một con đường học tập phù hợp nhất để lập thân, lập nghiệp.

Gương mẫu trong học tập và rèn luyện, đạt kết quả cao trong mỗi môn học, tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội Sinh viên, Nguyễn Quang Vinh đã được tuyên dương là Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức./.

Theo Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

  • Từ khóa

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thi lớp 10 không 'chốt cứng' 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu quy định thi lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh từ năm lớp 6, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn thi này, không dành...
16:49 - 10/01/2025
136 lượt xem

Ba đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường

Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm, có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm những đối tượng này thuộc...
14:07 - 10/01/2025
210 lượt xem

Bangladesh: Hàng triệu trẻ em gái bỏ học

Giáo dục được coi là chìa khóa để thoát nghèo ở Bangladesh, đặc biệt đối với trẻ em gái.
11:22 - 10/01/2025
287 lượt xem

Chỉ xét tuyển vào lớp 6, liệu có thỏa đáng?

Việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực tại một số trường chất lượng cao tại TP HCM được nhận xét là công bằng, giảm áp lực nhưng...
09:08 - 10/01/2025
314 lượt xem

Bỏ xét tuyển sớm có tác động các kỳ thi riêng?

Bộ GD-ĐT dự kiến không còn khái niệm xét tuyển sớm trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Điều này sẽ tác động ra sao đến việc phân bổ chỉ tiêu và cách xét...
07:28 - 10/01/2025
376 lượt xem