"Chính những người “cầm cân nảy mực” lại vướng vào vòng lao lý, trực tiếp gian lận, tạo thành vết ố thi cử, thử hỏi niềm tin giáo dục liệu có còn?. Nhưng dù niềm tin đã mất hay sắp mất thì cũng phải gây dựng lại cho bằng được..."
Đó là ý kiến của nhiều giáo viên trước câu chuyện niềm tin giáo dục thi cử bị giảm sút từ sau sự việc sửa nâng điểm thi THPT Quốc gia năm 2018.
Sai ở đâu, làm lại ở đó
GS Phạm Tất Dong cho rằng, mức giá hàng tỷ đồng để mua điểm là khoản tiền lớn đối với người nghèo, nhưng lại là khoản đầu tư rất “bèo” cho một tương lai chắc chắn đối với người giàu. Bởi đầu tư chạy điểm vào các trường công an, quân đội… phụ huynh sẽ phải không phải nuôi con ăn học mà vẫn có được việc làm chắc chắn khi ra trường.
Đó cũng là lý do mà phụ huynh bất chấp mọi quy định và nguy hiểm để chạy cho con mình. Tuy nhiên, điều đó lại làm mất chỗ của con nhà nghèo một cách bất công.
Suốt gần một năm qua, tôi cũng không hiểu vì sao vẫn chưa công bố chính thức danh tính của các phụ huynh mua điểm. Chính sự rụt rè, né tránh ấy càng khiến chúng ta mất niềm tin vào những lời hứa vào giáo dục thi cử; không lẽ cứ để cho những kẻ có tiền mãi đứng ngoài pháp luật và người nghèo chịu thiệt, GS Dong nhấn mạnh.
Cô giáo Phạm Thái Lê, trường THPT Marie Curie (Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ, sự việc tiêu cực ở Sơn La chỉ là giọt nước tràn ly, tấm áo giáo dục đang “vá chằng vá đụp” ngày càng để lộ ra sự yếu kém trong các khâu quản lý, giải quyết vấn đề của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh.
Đồng thời, chính những người “cầm cân nảy mực” lại vướng vào vòng lao lý, trực tiếp gian lận, tạo thành vết ố thi cử, thử hỏi niềm tin giáo dục liệu có còn?. Nhưng dù niềm tin đã mất hay sắp mất thì cũng phải gây dựng lại cho bằng được.
Cô Lê đề nghị, vấn đề sai ở đâu thì chữa ở đó, kỳ thi THPT quốc gia tới đây phải nghiêm ngặt, cẩn thận từng khâu, tuyệt đối không để ra sai phạm mới hi vọng lấy lại được niềm tin trong tổ chức thi.
Không ít giáo viên mong Bộ GD-ĐT nhanh chóng xử lý các đối tượng gian lận thi cử, làm yên lòng sĩ tử trước khi bước vào mùa thi THPT quốc gia 2019. (ảnh minh họa).
Cô Thái Lê cho rằng, cần “thay máu” hệ thống giáo dục các tỉnh có xảy ra sai phạm; nếu cần thiết, trực tiếp lãnh đạo Bộ GD-ĐT về địa phương để chỉ đạo thi THPT năm nay.
“Đừng nhân văn thêm nữa”
GS.TS Bùi Văn Nhơn, Nguyên giảng viên cao cấp Học viện hành chính Quốc gia, nhìn nhận câu chuyện mua bán điểm là trắng trợn, đó là sự coi nhẹ pháp luật, lòng tham không đáy, phá hoại đạo đức nghề giáo để trục lợi cá nhân.
Nỗi buồn lớn hơn là lòng tin của xã hội, của các em học sinh vào sự minh bạch của một kỳ thi quan trọng quyết định ngã rẽ cả đời người. 44 thí sinh được sửa nâng điểm ở Sơn La đã cướp đi cơ hội vào đại học của thí sinh khác.
“Đành rằng sợ hiệu ứng Domino sẽ xảy ra nếu giải quyết cho các em bị thiệt, nhưng ít nhất cũng nên công khai danh tính những người mua điểm và xử lý nghiêm, an ủi cho các em thấy rằng công bằng vẫn luôn tồn tại. Tôi cho rằng, tính nhân văn và yếu tố nhạy cảm không nên nhắc tới ở câu chuyện này, 44 thí sinh là lớn, nhưng lớn hơn là lòng tin của hơn 90 triệu người dân đang nhìn vào giáo dục.
Thà rằng loại bỏ vài con sâu, còn hơn bỏ cả nồi canh; cho nên đây chính là lúc Bộ GD-ĐT nên bình tĩnh, xem xét lại các đề xuất để đưa ra hướng khắc phục đúng đắn, lấy lại sự tin tưởng của xã hội. Chỉ có như vậy mới là bước đệm giúp hoàn thành tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tới đây"- GS Nhơn mong muốn.
PGS.TS Nguyễn Thành Vinh, Học viện Quản lý Giáo dục cho hay, qua hành động sửa nâng điểm thi THPT quốc gia táo tợn này, niềm tin vào giáo dục bị mất nhiều bởi trong 3 tỉnh gian lận nổi cộm, mới chỉ có Sơn La bị phanh phui đường dây “chạy điểm”, còn Hà Giang và Hòa Bình vẫn bỏ ngỏ.
Theo ông Vinh, muốn cứu vãn niềm tin của nhân dân, của xã hội với cán bộ và ngành giáo dục thì Chính phủ nên quyết liệt hơn trong vấn đề xử lý, không chờ thêm các tỉnh xử lý nữa. Cán bộ và phụ huynh sai phạm mua bán điểm đều xử lý theo Luật và sau đó cho ra khỏi ngành, nặng nhất là tù giam.
Theo Hà Cường/Dân trí