"Quát, đánh, mắng, thậm chí bạo lực với học sinh như là một liều thuốc có thể khiến thầy cô giải tỏa ức chế tâm lý ngay lập tức nhưng rất dễ nghiện và để đẩy lui nó rất khó. 8 giáo viên của chúng tôi hàng ngày cố gắng động viên nhau để không nhận liều thuốc này..."
Đó là chia sẻ của giáo viên tại chương trình Gala “Thầy cô thay đổi vì một trường học hạnh phúc" do VTV7 phối hợp với Bộ GD&ĐT cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây; tại Gala, các thầy cô giáo đã không ngại chia sẻ phương pháp giáo dục trừng phạt họ từng thường xuyên áp dụng với học trò.
La mắng, quát tháo, dọa nạt, đánh đòn….
Cô Lê Thị Thanh Nga - giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Bến Tre, tỉnh Vĩnh Phúc kể câu chuyện của bản thân liên quan đến vấn đề rất nóng bỏng hiện nay – bạo lực học đường. Cô Thanh Nga từng quan điểm: “Pháp luật, kỷ luật áp dụng cho tất cả mọi người”.
Mang phương châm đó vào lớp học, học sinh của cô Nga răm rắp nghe lời, bớt phạm lỗi nội quy nhưng càng ngày quan hệ cô - trò ngày càng xa cách. Những buổi sinh hoạt lớp trở thành những phiên tòa và học sinh sợ giáo viên hơn là tôn trọng.
Tham dự chương trình, cô Nga bắt đầu tìm hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi của các em và dần thay đổi trong cách tiếp cận, dạy bảo học trò. Lớp học dần trở nên vui vẻ hơn, các học sinh hay nói cười, dám thể hiện mình nhiều hơn.
Cô Lê Thị Thanh Nga - giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Bến Tre, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cô Nga xúc động kể lại trường hợp một nam sinh khối C thông minh, nhận thức tốt ở trường nhưng vì mâu thuẫn với nam sinh lớp khác nên đã hẹn gặp đánh nhau để giải quyết. Là cô giáo chủ nhiệm, cô Nga biết em nam sinh này do hoàn cảnh gia đình nên rất dễ kích động dù bản chất của em không xấu.
Tìm được nam sinh ở cổng trường cùng thái độ hung hăng và con dao thép sắc nhọn, cô Nga mất nhiều công sức mới thuyết phục được cậu học trò giao lại hung khí. Thông thường, với lỗi nghiêm trọng đó, cô Nga sẽ báo cao ngay với ban giám hiệu và chắc chắn em nam sinh sẽ nhận kỷ luật nặng.
Thế nhưng hai cô trò đã có cuộc nói chuyện nghiêm túc và chân thành. Đặt niềm tin nơi cậu học trò, cô Nga đã giữ kín câu chuyện không báo cáo lên ban giám hiệu và nam sinh không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào. Giờ đây, cậu học trò ngày nào đã trưởng thành, có ý chí, nghị lực làm ăn, sau khi tốt nghiệp cao đẳng đã có công việc ổn và góp tiền nuôi mẹ. Mỗi dịp lễ, cậu học trò cũ năm nào cũng về thăm cô giáo để tri ân người đã dạy dỗ và trao cho em cơ hội sửa sai.
Chưa một lần cậu học trò nhắc lại kỷ niệm cũ nhưng cô Nga lúc nào cũng giữ nó bên mình như một lời tự nhắc nhở bản thân: “Hãy đặt niềm tin nơi học trò, trao cho các em cơ hội sửa sai. Lòng bao dung còn có tác dụng gấp trăm ngàn lần hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất”.
Chiếc thước kẻ to "vật vã" vốn là công cụ nghề mà cô Lê Thị Nếp (Giáo viên trường TH&THCS Bắc Sơn, tỉnh Thái Bình) luôn mang theo mình lên bục giảng. Bước chân vào nghề giáo, cô Nếp dần tự hiểu tại sao ngày xưa các cụ lại gọi nghề giáo thân thương là nghề "gõ đầu trẻ".
Với cô Nếp, kỷ luật là sức mạnh. Cô giáo trẻ đã áp dụng phương châm của môi trường quân đội vào lớp học, siết chặt kỷ cương, tăng cường nề nếp.
Muốn học sinh đoàn kết cô kỷ luật học sinh nào hay gây gổ đánh bạn; muốn học sinh chăm ngoan làm bài tập đầy đủ, cô kỷ luật em học sinh nào lười nhác không làm bài tập về nhà; muốn học sinh đi học đúng giờ cô kỷ luật những học sinh đi muộn. Quát mắng, dọa nạt, đánh đòn..., cô Nếp đã khiến tất cả học sinh đi vào nề nếp.
Chiếc thước kẻ luôn gắn với cô Nếp giờ đã được sử dụng với mục đích khác.
Lớp của cô Nếp "rất ngoan", luôn giành nhiều danh hiệu thi đua của nhà trường. Cô tự hào vì cảm nhận mình đã đi đúng hướng. Nhưng ngoài những phần thưởng cá nhân và tập thể, cái cô Nếp nhận được từ học trò là những ánh nhìn lườm nguýt, lẩm bẩm, ức chế không nên lời mà cứ cô giáo quay lưng lên bảng thì nghe xì xào, cô giáo vừa ngoảnh mặt xuống thì cả lớp im ngay lập tức. Học sinh xa lánh, thu mình, xây dựng bức tường làm lá chắn với giáo viên.
Tham dự chương trình “Thầy cô thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, có dịp nhìn lại toàn bộ quá trình trong nghề của mình, cô Nếp nhận ra rằng "kỷ luật là sự thất bại của các phương pháp giáo dục". Cô Nếp dần biết cách hóa giải những cơn tức giận, biết quan tâm đến cảm xúc học trò, xóa đi khoảng cách thầy cô – học trò.
“Bạo hành là mầm mống sinh ra bạo hành. Mỗi học sinh có một thế mạnh riêng, người thầy lắng nghe các em, sẵn sàng khởi động một buổi học bằng một câu hát, không quên kết thúc tiết dạy bằng một nụ cười, thay chỉ trích phê phán bằng động viên khen ngợi. Vòng luẩn quẩn áp lực – bạo lực đã không còn là vấn đề với tôi. Thay đổi để hạnh phúc hơn, tại sao không?", cô Nếp đúc kết từ chính hành trình dũng cảm thay đổi của mình.
8 giáo viên chia sẻ câu chuyện về hành trình thay đổi của mình tại chương trình.
Cô Nguyễn Thị Thúy - Giáo viên Trường THCS Nguyễn Duy (tỉnh Thừa - Thiên Huế) cũng từng áp dụng phương châm lớp học quân đội. Học sinh lo lắng, sợ hãi mỗi tiết học gặp cô giáo hơn là tự tin thể hiện mình.
Cô Thúy đã thay đổi chính mình, từ bên trong tư tưởng của bản thân chứ không phải thay đổi nhiều ở phương pháp dạy. Vẫn là phương pháp cũ nhưng nếu học sinh và giáo viên có sự đồng cảm, mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều.
Cởi bỏ những chiếc áo không phù hợp
PGS.TS Trần Thị Lệ Thu – Trưởng bộ môn Tâm lý học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, 3 năm đồng hành cùng các thầy cô giáo, bà có dịp nhìn thấy không ít nụ cười, giọt nước mắt, sự đổi thay của các thầy cô giáo.
Với tư cách là thành viên ban cố vấn, bà Thu chia sẻ: “Nhân vô thập toàn, không ai hoàn hảo, 8 giáo viên để có được những nụ cười ngày hôm nay họ đã thực sự dũng cảm đồng hành cùng chúng tôi mở ra những vết thương của mình, những điều mình làm chưa phù hợp. Sau khi dũng cảm nhìn thẳng vào đó, giáo viên bước chân vào hành trình thay đổi từ chính bản thân mình.
PGS.TS Trần Thị Lệ Thu – Trưởng bộ môn Tâm lý học – ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thói quen cũ có một sức mạnh, một sức gây nghiện ghê gớm. Quát, đánh, mắng, thậm chí bạo lực với học sinh như là một liều thuốc có thể khiến thầy cô giải tỏa ức chế tâm lý ngay lập tức nhưng rất dễ nghiện và để đẩy lui nó rất khó. 8 giáo viên của chúng tôi hàng ngày cố gắng động viên nhau để không nhận liều thuốc này.
Thay đổi là hành trình kiên trì, bền bỉ của bất kỳ ai trên trái đất này, trong đó có những giáo viên yêu quý là đồng nghiệp của tôi và chúng ta đừng lén lút cho mình uống một liều thuốc mà rất dễ gây nghiện đó”.
“Bất hạnh là khi chúng ta cứ phải mặc những chiếc áo không phù hợp. 8 thầy cô là minh chứng sống động đại diện cho 1000 thầy cô đã cởi bỏ những chiếc áo không phù hợp và hạnh phúc đã đến”, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu nói.
Nhân rộng những lớp học hạnh phúc
Tại chương trình, các thầy cô đã lắng nghe những chia sẻ hạnh phúc từ chính các học trò của mình khi thầy cô thay cô. Tuy nhiên, đó mới là chặng đầu trong hành trình, để có sự thay đổi lớn rất cần sự chung tay của không chỉ giáo viên mà của cả lãnh đạo nhà trường, các bậc phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng: “Trường học không chỉ đơn thuần là một nơi bồi dưỡng, truyền thụ kiến thức cho các em học sinh. Trường học phải là nơi bồi dưỡng, nuôi dưỡng cảm xúc cho các em học sinh.
Một trường học hạnh phúc, tuyệt vời sẽ giúp các em học sinh nhìn nhận được chính bản thân mình là ai và thấy được sức mạnh, sứ mệnh của mình. Trách nhiệm của một người hiệu trưởng nhà trường là làm sao chúng ta có một đóm lửa để có một bó đuốc và tôi nghĩ, để có một trường học hạnh phúc và thay đổi thì người đứng đầu nhà trường phải là người đầu tiên thay đổi”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại gala.
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng kỷ luật là cần thiết, nhưng nếu thầy cô nào cũng phấn khích trong việc kỷ luật là thất bại.
Thầy cô phải thay đổi chính mình. Chính các cán bộ quản lý giáo dục cũng phải thay đổi, thậm chí phải thay đổi rất mạnh. Bởi đây là đội ngũ xây dựng chính sách về giáo dục và trực tiếp quản lý. Khi thay đổi tạo môi trường tốt cho các nhà trường thì các thầy cô sẽ cảm thấy hạnh phúc.
"Tôi nhớ một câu nói rằng thay vì nguyền rủa bóng đêm thì hãy thắp lên một que diêm. Từng bước từng phần khích lệ để rồi tạo nên không chỉ một giáo viên, một lớp hay một trường học hạnh phúc mà dần dần rộng hơn trong môi trường giáo dục và toàn xã hội.
Thậm chí tiến tới tại sao lại không nghĩ tới phụ huynh cũng phải cùng thay đổi. Rộng ra tôi mong muốn xã hội cùng thay đổi. Bởi tại sao chúng ta không nghĩ về một xã hội tốt đẹp hơn, nhiều sự yêu thương từ đó mới có sự bao dung. Nếu không có sự bao dung thì toàn phán xét, nhìn theo chiều hướng tiêu cực.
Trong thực tế thì không ai hoàn thiện và phải luôn luôn thay đổi và chính sự thay đổi mới khơi dậy được bản sắc, sự khác biệt và sẽ là động lực”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Theo Lệ Thu/Dân trí