Gửi con về quê, khóa cửa nhốt trong nhà hay “kẹp” theo đi làm là cách mà nhiều ông bố, bà mẹ ở Nghệ An đang thực hiện vì con nhỏ nghỉ hè, không biết gửi ở đâu.
Nghỉ hè, không phải em nhỏ nào cũng được nghỉ ngơi, vui chơi theo đúng nghĩa.
Chồng đi xa, chị Trần Thị Long (trú Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) “đánh vật” với 2 đứa con nhỏ. Trong khi bé Vũ Trần Thảo Nguyên học lớp mẫu giáo 3 tuổi thì bé Vũ Trần Anh Thư được gửi cho một cơ sở mầm non tư nhân. Hè đến, lớp nhà trẻ tư vẫn được duy trì nhưng bé Thảo Nguyên chính thức nghỉ học từ ngày 23/5. Không thể “xoay xở” nổi khi con nghỉ hè, chị Long quyết định gửi cô con gái lớn về quê ngoại cách 70 cây số.
“Dù xa con thì nhớ nhưng về quê, không khí trong lành, có ông bà, có các dì, các cậu, lại có thêm bạn mới nên cũng yên tâm. Cũng may con bé bắt nhịp được nhanh, chỉ vài hôm đầu khó ngủ vì lạ nhà nhưng hôm nay ông bà gọi điện ra bảo chơi ngoan lắm, tôi cũng yên tâm phần nào. Có khi phải gửi cháu ở quê đến khi vào năm học mới luôn”, chị Long cho hay.
Nghỉ hè, bé Vũ Trần Thảo Nguyên được gửi về quê và trải nghiệm nhiều trò vui mà những đứa trẻ thành phố ít khi được có.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có ông bà khỏe mạnh để nhờ cậy. Vợ chồng anh Nguyễn Bá Dũng (trú Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) quê ở Hà Tĩnh, ra TP Vinh lập nghiệp. Hơn 1 tuần nay, cuộc sống của gia đình anh đảo lộn cả lên vì hai đứa con được nghỉ hè. Ông bà nội ngoại hai bên cũng đã có tuổi, ông nội lại đang bị gãy xương, bởi vậy, anh chị không thể gửi con về quê nhờ ông bà trông hộ.
Hàng xóm cũng bận đi làm, anh em họ hàng không có, bản thân anh Dũng lại làm ca kíp, chị Thanh - vợ anh lại làm giờ hành chính nên không thể sắp xếp thời gian để ở nhà trông con. Bàn tới bàn lui, cuối cùng hai vợ chồng thống nhất… để hai đứa nhỏ (6 tuổi và 4 tuổi) ở nhà trông nhau, khóa cửa ngoài lại.
Sáng, trước khi đi làm, chị Thanh chuẩn bị sẵn bữa sáng, khi hai con dậy có thể tự lo bữa sáng cho mình rồi chơi cùng nhau. Cũng may chị Thanh làm việc cách nhà vài cây số, thỉnh thoảng có thể chạy về kiểm tra các con rồi lại tất bật lên cơ quan. Trưa chị lại tranh thủ tạt qua chợ, về nấu tạm món gì đó cho cả 3 mẹ con.
“Để con ở nhà cũng lo lắm, các cháu còn nhỏ, trong nhà điện đóm, rồi cầu thang lên tầng 2 chưa được lắp lan can, sợ ở nhà hai đứa nghịch dại nhưng không nhốt ở nhà cũng không biết làm thế nào?”, chị Thanh cho biết.
Nghỉ hè, không tìm được chỗ gửi, vợ chồng anh Dũng đành nhốt 2 con ở nhà dù không phải cứ ở nhà là an toàn.
Không thể duy trì mãi cách này, chị Thanh đang gấp rút tìm chỗ học hè cho con. Bé lớn chuẩn bị vào lớp 1, có thể chị sẽ tìm cho cháu lớp luyện chữ, còn cháu nhỏ có thể gửi nhà trẻ tư ở gần nhà. Đồng nghĩa, hai vợ chồng chị sẽ mất thêm khoản chi phí phát sinh cao gấp đôi mỗi tháng so với trong năm học (do hai bé học trường công lập).
Từ hôm bé Điền Trúc Ly được nghỉ hè, anh Điền Chí Bắc (trú Hưng Hòa, TP Vinh) cũng phải đưa cô con gái 5 tuổi đi làm cùng mình. Vợ anh làm việc cho một công ty truyền thông, quy định nghiêm ngặt nên không thể mang con theo. Cũng may công việc của anh Bắc có thể linh động được thời gian, địa điểm làm việc nên đưa con theo không phải là quá khó để sắp xếp. Mỗi khi cần ra ngoài giải quyết công việc, anh nhờ đồng nghiệp trông hộ con một lúc.
Anh Điền Chí Bắc đưa theo con gái 5 tuổi đi làm cùng. Đưa con đi làm là cách không ít ông bố, bà mẹ đang phải thực hiện. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
“Bà nội bị tai biến nằm một chỗ 5 năm nay, ông nội bận chăm sóc bà với công việc đồng áng; còn gửi về ngoại cũng không yên tâm vì xung quanh nhà ao hồ rất nhiều, ông bà già rồi, không thể để mắt đến cháu sát sao được. Đưa con đi làm chỉ là giải pháp tình thế thôi chứ kéo dài cả mùa hè thì không ổn. Tôi đang bàn với vợ, tìm cho con lớp học tiếng Anh, học múa… để “lấp trống” thời gian nghỉ của con dù các khóa học hè chi phí không rẻ chút nào”, anh Bắc chia sẻ.
Bố mẹ bận công việc không thể quản lý, trông coi được con, trong khi đó, có bao nhiêu mối nguy hiểm rình rập xung quanh mỗi đứa trẻ. Chưa kể nhốt con ở nhà, làm bạn với ti vi, máy vi tính mà không kiểm soát nội dung cũng là mối nguy không nhỏ đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Bởi vậy, dù mong muốn con có một kỳ nghỉ trọn vẹn nhưng nhiều phụ huynh chọn cho con các khóa học mùa hè như hành trang vào lớp 1, các lớp tiếng Anh, lớp học năng khiếu, các hoạt động trải nghiệm... Ngoài việc rèn luyện cho các cháu kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng năng khiếu, các phụ huynh dường như cũng yên tâm hơn khi “gửi gắm” con cho thầy, cô giáo và nhà trường.
Theo Hoàng Lam/Dân trí