Tình trạng “lạm phát” điểm 10, học sinh giỏi, xuất sắc ở tiểu học và THCS đang đặt ra câu hỏi có phải thầy cô dạy rất giỏi, trò học rất siêu nên số học sinh xuất sắc ngày càng tăng? Là giáo viên có 33 năm giảng dạy ở trường THCS, tôi xin được chia sẻ góc nhìn về nguyên nhân hiên tượng nói trên góp phần đem lại sự công bằng trong môi trường giáo dục hiện nay.
Hiện tượng “lạm phát” bằng khen là sự biến tướng của bệnh thành tích trong giáo dục.Ảnh minh hoạ: P.V
Bệnh thành tích
Sáng 29.5.2019, trường tôi tổ chức lễ tổng kết và phát thưởng năm học 2018-2019, lớp 8/1có 39/40 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi. Một con số quá đẹp nhưng đó có phải thực chất 100% hay không đang là vấn đề.
Trước hết theo tôi là xuất phát từ cái gốc rễ của bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn, giáo viên chủ nhiệm muốn lớp có nhiều học sinh giỏi để được BGH khen là dạy giỏi, tay nghề vững, tâm huyết và cũng là tiêu chí thi đua cuối năm còn giáo viên bộ môn thì để đạt chỉ tiêu về chất lượng bộ môn do mình giảng dạy (Sử, Địa 98% TB trở lên; GDCD 100% TB trở lên…). Hiệu trưởng thì luôn muốn trường có thành tích đạt nhiều học sinh giỏi trường, huyện, tỉnh để cuối năm đưa vào tiêu chí xếp loại danh hiệu của trường có tiên tiến xuất xắc huyện, tỉnh hay không?
Chấm bài thiếu nghiêm túc
Đối với thầy cô giáo được xem là người cầm cân nảy mực nhưng đôi khi, đôi lúc cũng vì tình cảm thương học trò nên dẫn đến việc coi kiểm tra, chấm điểm chưa thật nghiêm túc, chặt chẽ nhất là đối với loại điểm kiểm tra thường xuyên (hệ số 1). Nhiều thầy cô khi kiểm tra bài cũ học sinh không học bài thay vì cho điểm kém nhưng do lo chất lượng cuối năm nên cho các em nợ để hôm sau kiểm tra lại đạt 9, 10. Việc làm này là có tình nhưng về lý là không đúng. Hoặc cuối năm có trường hợp giáo viên chủ nhiệm đi xin điểm cho học sinh để đạt danh hiệu học sinh giỏi, thường với lý do em còn thiếu 0,1; 0,2…là đủ 8,0 được giỏi. Ngoài ra nhiều trường còn quy định nếu bài kiểm tra hơn 2/3 lớp dưới điểm trung bình thì báo nhà trường có thể cho kiểm tra lại để có điểm số đẹp hơn những việc làm này của thầy cô cũng là nguyên nhân góp phần lạm phát học sinh giỏi.
Quy định không còn phù hợp
Góp phần tăng số lượng ngày càng nhiều học sinh giỏi đó là quy chế đánh giá, xếp loại theo thông tư 58, cụ thể: Điều 13. Tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học theo đó học sinh dễ đạt loại giỏi. Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây: a) Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên; b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5; c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
Do tính điểm trung bình môn nên nhiều học sinh chỉ cần siêng học bài các môn: Sử, Địa, Giáo dục công dân để “bù” cho những môn khó Toán, Văn, Tiếng Anh nhằm dễ đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên. Cần nói thêm rằng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh thì những môn học được đánh giá bằng điểm số hiện nay theo thông tư 58 không còn phù hợp nữa. Rất mong Bộ GDĐT khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cũng nên đổi mới việc đánh giá, xếp loại học sinh cho phù hợp.
Khi điểm số vẫn là thước đo
Tuy không phải là tất cả song nhiều em bằng nhiều cách khác nhau thiếu trung thực trong kiểm tra để có được điểm số càng cao càng tốt đối phó với thầy cô, cha mẹ. Nhiều học sinh nhờ coppy trong kiểm tra nên điểm cao. Xảy ra điều này một phần do thầy cô chưa thật nghiêm túc trong kiểm tra. Tôi đã phát hiện rất nhiều học sinh với đủ hình thức quay cóp bài của bạn, tài liệu trong giờ kiểm tra, nhiều em dùng điện thoại chụp tài liệu để sử dụng rất tinh vi. Nếu không phát hiện thì điểm 9, 10 là nắm chắc, nên phụ huynh đừng chỉ xem điểm số là thước đo năng lực của con em mình.
Tâm lý phụ huynh
Cha mẹ nào cũng mong muốn, tự hào, hãnh diện khi con đạt được thành tích học giỏi, xuất sắc. Nhiều phụ huynh đua nhau cho con học thêm, luyện thi ở trường, trung tâm, tại gia dù học ở đâu thì phụ huynh không quên đăng ký cho con theo học thầy cô dạy trên lớp dù thích hay không với hy vọng được thầy cô lưu tâm chú ý con mình trên lớp chính khóa để có được sự chiếu cố, điểm số cao, học sinh giỏi. Mới học lớp 1 trường tiểu học dạy ngày hai buổi nhưng em gái tôi vẫn không an tâm nên đã cho cháu bé đi học thêm ở nhà cô giáo tuần ba buổi từ 17 giờ đến 18 giờ 30 suốt một năm học qua với lý do để cô kèm thêm cho vững vàng. Điều này xuất phát từ tâm lý mong muốn con mình phải là học sinh giỏi, xuất sắc để bằng hoặc hơn con của người khác tạo nên sự đua tranh không cần thiết bởi mỗi học sinh có năng lực khác nhau.
Có nên bỏ xếp hạng học sinh theo học lực?
Áp lực cho học sinh không phải chỉ là vấn đề xếp hạng theo điểm trung bình môn cuối học kỳ hay cuối năm như đã nói ở trên mà xuất phát từ tâm lý thành tích của thầy cô, phụ huynh… Để rồi tất cả phải chạy theo điểm số, cá nhân tôi nên bỏ chỉ tiêu, thành tích hy vọng mới giải quyết được vấn đề. Dưới góc độ là giáo viên cũng là phụ huynh tôi mong rằng chúng ta hãy trả lại sự công bằng trong dạy - học đó là thầy cô thực hiện đúng phương châm “Dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật”. Để các em thật sự hạnh phúc khi đến trường đừng vì điểm số, thành tích, danh vị…
NGUYỄN VĂN LỰC (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Theo Lao động