Bước ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh hào hứng vì đề Ngữ văn năm nay không quá khó. Thậm chí, nhiều thí sinh còn thốt lên: “Sang thu ăn vào trong máu bọn em rồi” vì “trúng tủ” tác phẩm văn học.
Ngay sau khi hết giờ làm bài môn thi Ngữ văn buổi sáng 2/6, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Kim Liên (Đống Đa) ùa ra ngoài, ôm nhau cười rạng rỡ. Nhiều em cho biết, tác phẩm “Sang thu” không còn quá xa lạ. Tác phẩm này nằm trong chương trình và các em đã được thầy cô ôn lại nhiều lần.
“Đề thi năm nay không quá khó. Bài “Sang thu” ở lớp bọn em đã được ôn luyện nhiều và cũng là bài tủ nên em làm khá ổn. Đối với bài nghị luận xã hội, đề ra mở và thực tiễn, yêu cầu tư duy xã hội phải cao hơn nên có đôi chút khó khăn với một đứa lười đọc báo như em. Nhưng em cũng không lo lắng quá vì mặt bằng chung như vậy cũng khá ổn”, một thí sinh nam cho biết.
Cũng cho rằng “Sang thu” là tác phẩm dễ học, dễ phân tích, Nguyễn Huy Hùng, cựu học sinh Trường THCS Đống Đa cho biết, năm nay đề bài ra có phần khác so với mọi năm. Nhưng các câu hỏi liên quan đến tác phẩm văn học không phải quá khó nên em nghĩ điểm Văn năm nay sẽ rất cao.
Bài nghị luận xã hội nói về “hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình”. Đây là một vấn đề quen thuộc trong cuộc sống nên việc viết về nó với em cũng khá dễ dàng”.
Thí sinh vui mừng sau bài thi môn Ngữ văn (Ảnh: Thanh Hùng)
Tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, nhiều thí sinh rời khỏi phòng thì với tâm lý thoải mái và cho hay đề văn năm nay không quá khó, vừa sức với học sinh.
Thí sinh Lê Thu, đăng ký vào Trường THPT Nhân Chính và khối chuyên Địa Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ nở nụ cười tươi: “Em làm được tất cả các câu và hoàn thành tất cả trong thời gian cho phép. Em thấy đề thi năm nay không khó và dự đoán mình sẽ được khoảng 7,75 điểm”.
Tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn Đống Đa Hà Nội, thí sinh Ngọc Minh cũng đánh giá đây là một đề thi vừa sức. “Em là cũng ổn và dự kiến sẽ được ít nhất từ 7 điểm trở lên”.
Vượt môn Văn khá thành công, Ngọc Minh hy vọng điều này sẽ tiếp tục với môn Toán vào chiều nay.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn lớp 10 tại Hà Nội, cô Đỗ Khánh Phương, giáo viên Ngữ văn cho biết: “Đề thi năm nay có nhiều thay đổi so với năm trước, tính phân loại của đề thi hợp lí hơn do việc thay đổi trong việc sử dụng ngữ liệu, cách thức ra đề thi.
Ở phần 2, đoạn văn gây bất ngờ vì không nằm trong văn bản đọc hiểu và là đoạn nghị luận xã hội. Điều này sẽ tránh được tình trạng học tủ của học sinh”.
"Đề thi Tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn Hà Nội năm nay giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện các kiến thức tiếng Việt, văn và kĩ năng viết các đoạn văn nghị luận" - thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định.
Cụ thể, ở Phần I, đề thi hỏi về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh. Các câu hỏi đều kiểm tra các kiến thức cơ bản, với những dạng hỏi khá quen thuộc như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ… Câu 4, yêu cầu viết đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài, chiếm trọng số điểm cao nhất của đề thi, đòi hỏi các em trình bày bài không chỉ đủ ý, mạch lạc mà còn phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức đoạn văn, về phần tiếng Việt.
Tuy nhiên, điểm mới rất đáng chú ý trong đề thi năm nay là ở Phần II của đề thi, thay vì một đoạn văn được trích ra từ một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 thì lại là một văn bản nghị luận bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Đây có thể là một bất ngờ với các thí sinh nhưng đoạn văn bản dùng làm ngữ liệu để hỏi trong đề thi lấy nguồn từ sách giáo khoa Ngữ văn 9, các câu hỏi xoay quanh việc kiểm tra các kiến thức tiếng Việt, kĩ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội tương đối quen thuộc nên các thí sinh cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Nhìn chung đề thi năm nay có điểm mới so với đề thi năm ngoái ở chỗ: Cấu trúc và barem điểm được điều chỉnh từ 6/4 sang 7/3; ngữ liệu được mở rộng không chỉ trong các văn bản chính thức học sinh được học trong sách giáo khoa, tuy nhiên ngữ liệu vẫn nằm trong sách. Câu hỏi liên quan đến nghị luận xã hội cũng mang tính mở hơn, yêu cầu học sinh trình bày những suy nghĩ của cá nhân, có tính liên hệ thực tiễn.
Theo Thúy Nga - Thanh Hùng/Vietnamnet