Sáng nay 2/6, gần 86.000 thí sinh Hà Nội chính thức làm bài thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Rút kinh nghiệm năm ngoái, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi không được chủ quan, tránh để lọt đề, lộ đề.
Năm nay, toàn TP Hà Nội có tổng số 85.873 học sinh đăng ký dự thi (kể cả tuyển thẳng) trên tổng chỉ tiêu là 63.090. Tổng số nguyện vọng 1 và 2 đăng ký dự tuyển vào các trường là 167.678, trong đó, nguyện vọng 1 là 85.873, nguyện vọng 2 là 81.891.
Với tỷ lệ tuyển vào trường công lập chiếm 62%, ước tính có khoảng 23.000 học sinh không đủ điều kiện vào học trường trung học phổ thông công lập.
Điểm mới của 2019, Hà Nội chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS.
Thí sinh Hà Nội phải thi bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử. Trong đó, môn Lịch sử được công bố vào tháng 3.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 của Hà Nội (Ảnh: Trọng Trinh)
Để chuẩn bị cho kì thi diễn ra suôn sẻ, Sở GD&ĐT đã nhận được kế hoạch chuẩn bị thi của tất các các quận huyện và sự tham gia của tất cả các ban ngành như: Công an, Y tế, giao thông, Bộ NNPT nông thôn…
"Rút kinh nghiệm kỳ thi năm trước, yêu cầu các điểm thi phải báo cáo kịp thời nếu có sự việc xảy ra. Tuyệt đối không có tư tưởng giấu giếm.
Điểm mới của kỳ thi năm nay không chỉ có thanh tra mà còn giám sát. Ngoài đội ngũ giám sát tại điểm thi, Sở GD&ĐT có những đoàn giám sát lưu động tất cả các điểm thi.
Theo quy định trước đây, thí sinh được mang thiết bị quay vào phòng thi để giám sát chính giám thị. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, bằng mắt thường khó phân biệt được.
Trong khi đó, giám thị không có quyền khám học sinh nhưng nếu có dấu hiệu bất thường cán bộ coi thi được kiểm tra, kịp thời nhờ công an xử lý", ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.
Lịch thi vào lớp 10 năm 2019 THPT của Hà Nội
Trước đó, vào kì tuyển sinh lớp 10 năm 2018 của Hà Nội, một giáo viên tại điểm thi THPT Vân Nội, Đông Anh đã chụp ảnh đề thi và đăng tải lên mạng.
Phó Giám đốc Sở đánh giá, sự việc này đã để lại hậu quả lớn cho ngành GD&ĐT thủ đô. Dù phát hiện sớm, có biện pháp xử lý kịp thời, may không phải tổ chức lại kỳ thi nhưng phải đến 4-5 tháng sau Sở mới giải quyết được dứt điểm băn khoăn từ phía dư luận.
“Quan điểm đưa ra, kì thi phải nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh.
Đặc biệt, các cán bộ làm nhiệm vụ thay thế phải đúng quy định và phổ biến quy chế đầy đủ. Tránh trường hợp như năm ngoái, trường hợp giáo viên thay thế đã gây lộ đề, lọt đề”, ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.
Theo Mỹ Hà/Dân trí