Từ đề xuất của học sinh, TPHCM đề nghị ngành Giáo dục thành phố nghiên cứu bỏ xếp hạng trong lớp để tránh gây áp lực tâm lý cho học sinh, giảm áp lực thi đua cho giáo viên.
>>Học sinh TPHCM “xin” giảm áp lực cho thầy cô
Đó là nội dung được nhấn mạnh của UBND TPHCM trong văn bản vừa được phát đi về thực hiện kết luận của thường trực Thành ủy tại Chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi 2019.
Học sinh TPHCM trong buổi gặp gỡ đầu năm 2019 với lãnh đạo thành phố
UBND TPHCM giao Sở GD-ĐT TPHCM nghiên cứu một số nội dung như thời gian vào lớp buổi sáng hiện nay quá sớm, tăng giờ nghỉ giải lao cho học sinh; đề nghị bỏ xếp hạng trong lớp đang gây áp lực tâm lý cho học sinh, giảm áp lực thi đua cho giáo viên.
Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị ngành Giáo dục tiến hành khảo sát cơ sở vật chất cho các phòng học hướng nghiệp, phòng thực hành, phòng vi tính trong trường. Nghiên cứu đổi mới cách thức kiểm tra 1 tiết, 15 phút, đề thi cuối học kỳ không chỉ nghiêng về lý thuyết mà cần có kiến thức xã hội.
TPHCM cũng đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết một số vấn đề như an toàn giao thông, buôn bán hàng rong trước cổng trường học, chấn chỉnh tình trạng hát karaoke lớn tiếng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.
Việc xếp hạng theo điểm và công khai thông tin xếp hạng gây phản cảm và áp lực tâm lý cho học sinh, gia đình
Giữa tháng 2/2019, trong chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi đầu năm Kỷ Hợi 2019, nhiều học sinh đã lên tiếng đề nghị bỏ xếp hạng trong lớp, giảm áp lực thi đua cho giáo viên.
Em Ngô Triệu Vy ở Thủ Đức góp ý, ngành Giáo dục cần bỏ xếp hạng học sinh trong lớp học. Theo em, việc này khiến phụ huynh so bì thành tích con của mình với người khác, đẩy chạy đua thành tích khiến áp lực của học sinh rất lớn.
Còn em Võ Ngọc Thủy Tiên, HS Trường Nguyễn Văn Luông, Q,6 lên tiếng "xin" các bác lãnh đạo hãy giảm áp lực cho giáo viên. Theo em, hiện giáo viên đang bị áp lực thi đua, xét lớp phải có nhiều HS giỏi, điểm cao... nên khi lên lớp thầy cô bị dồn nén, chạy đua về kiến thức làm cho học sinh rất khó để để tiếp thu và gây sự mệt mỏi, căng thẳng cho thầy trò trong mỗi tiết học.
Theo Hoài Nam/Dân trí