Ban tổ chức dặn dò cha mẹ cổ vũ con chứ đừng 'chỉ bài', nhưng chỉ sau vài phút, phụ huynh liên tục hò hét 'Chuyền cho bạn bên phải con đi', 'Sút luôn đi'...
Các bé học được nhiều điều qua từng trận bóng chứ không phải là giải thưởng - Ảnh: MINH ANH
Cuối tuần, chúng tôi đưa con đi đá giải do CLB bóng đá của Nhật tổ chức. Nói là đá giải cho oai chứ thật ra chỉ là chia đội giữa các sân của CLB đá với nhau, mang tính rèn luyện là chính.
Trước khi trận đấu bắt đầu, ban tổ chức chia sẻ giải đấu chủ yếu để các em phát huy thành quả luyện tập mỗi ngày, đồng thời giao lưu với các đội khác, do đó thắng thua không quan trọng, quan trọng nhất là từng em đã nỗ lực thế nào để đạt được kết quả mình mong muốn.
Ban tổ chức cũng đề nghị phụ huynh cổ vũ các cháu bằng cách nói "Đội áo vàng cố lên, áo cam cố lên", "Giỏi lắm", "Đá tốt lắm", "Đừng nản"... chứ đừng cổ vũ kiểu "chỉ bài" cho con như "Chuyền cho bạn A đi", "Sút luôn đi"...
Mục đích của ban tổ chức là để các cầu thủ nhí tự thân vận động, tự rút ra bài học cho mình sau mỗi đường chuyền sai, mỗi pha xử lý tình huống chưa tốt.
Vậy mà khi vào trận, nhiều phụ huynh vẫn đứng hò hét chỉ đạo đội bóng của con y như họ là huấn luyện viên. Một số phụ huynh thay mặt luôn cả huấn luyện viên yêu cầu thay người, rồi chạy vào sân tiếp nước cho "gà nhà". Thỉnh thoảng các trọng tài biên lại phải đến nhắc khéo các phụ huynh này, nhưng chỉ được ít lâu thì đâu lại vào đấy.
Thậm chí khi vào cuối vòng bảng, có "huấn luyện viên" còn chỉ đạo luôn đội không phải của con mình, vì nếu đội đó thắng hay cầm hòa thì đội con họ sẽ được thứ hạng cao hơn. Cũng có phụ huynh yêu cầu các cầu thủ nhí "đổ bêtông" để bảo đảm tỉ số thắng, may là các cháu khá trong sáng nên cứ đá hết mình...
Chứng kiến từ đầu đến cuối, tôi không khỏi ngao ngán. Chợt nhớ gần đây, một trung tâm toán trí tuệ khi tổ chức cuộc thi toàn quốc đã phải chia khu vực cho phụ huynh ngồi, cách ly với khu vực thi. Việc này nhằm bảo đảm cho thí sinh tập trung thi đấu, bởi các năm trước đó cuộc thi suýt "vỡ trận" vì phụ huynh... nhắc bài.
Những phụ huynh như vậy, chúng tôi hay gọi vui là "siêu phụ huynh". Họ có thể nói là cái gì cũng biết, và luôn đóng vai trò "huấn luyện viên" chỉ đạo con mình từ việc học đến việc chơi, bất kể đó là toán hay văn, hội họa hay âm nhạc, bóng đá hay cờ vua.
Còn khi con họ tham gia một cuộc tranh tài nào đó thì ôi thôi, họ luôn mang tâm lý phải thắng, thậm chí sẵn sàng nhào vào khu vực thi đấu để chỉ đạo con, bất chấp quy định.
Có 2 con trong tuổi đi học, thường đưa đón con đi học, đi chơi và tham gia các hoạt động ngoại khóa, tôi thấy "siêu phụ huynh" ngày càng nhiều. Mỗi lần nhìn thấy họ, tôi lại băn khoăn cho những đứa trẻ bị họ "suy nghĩ thay".
Các cháu rồi sẽ bị thui chột sáng tạo, lười suy nghĩ vì mọi thứ đã có cha mẹ nghĩ thay (mà có nghĩ khác cũng không được chấp nhận). Các cháu sẽ lớn lên với cái đầu được "đổ khuôn" không tiếp thu được cái gì khác lạ so với cái mình biết.
Tâm lý cay cú ăn thua cũng sẽ làm hại các cháu. Khi luôn nghĩ việc phải giành phần thắng, các cháu sẽ có thể đi vượt giới hạn miễn là giành được chiến thắng. Trong giải bóng kể trên, tôi đã thấy manh nha hiện tượng cầu thủ đá xấu khi thua.
Làm méo mó nhân cách, triệt tiêu óc sáng tạo của con mình, đến bao giờ các "siêu phụ huynh" mới nhận ra mình đang sai lầm khi dạy con?
Theo Song Nghi/Tuổi trẻ