Lo ngại trước việc sức khỏe tâm thần của người trẻ ngày càng bất ổn, một số trường học tại Anh đang tăng cường các buổi thiền và yoga tích hợp ngay trong những giờ lên lớp.
Tổ chức từ thiện Mental Health Foundation của Vương quốc Anh muốn sự hạnh phúc trong cảm xúc phải là tâm điểm của chương trình giáo dục tại nhà trường - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo báo The Telegraph (Anh), ngôi trường nội trú Colfe’s School tại Greenwich, phía nam London, một trong những ngôi trường lâu đời nhất tại thủ đô nước Anh tiếp nhận học sinh từ 3-18 tuổi, đã áp dụng lại các phương pháp giảng dạy của nhà triết học cổ đại Hi Lạp Aristotle để giúp học sinh hạnh phúc hơn trong một khóa học mang tên "Eudaimonia" (có nghĩa "thành đạt", hạnh phúc").
Học theo kiểu Aristotle
Khóa học này được dạy trong các bài học thuộc chương trình giáo dục PSHE, là môn học tập trung cung cấp kiến thức, kỹ năng nhằm giúp học sinh sống khỏe mạnh, an toàn, sẵn sàng cho cuộc sống và công việc khi trưởng thành. Riêng khóa học Eudaimonia sẽ giúp học sinh khám phá tầm quan trọng của "hành vi đạo đức" và cách thức để đạt được một "cuộc sống tốt đẹp".
Học sinh được học về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm thiền tỉnh thức (mindfulness - là trạng thái tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ vào một sự vật, sự việc trong hiện tại mà không có bất cứ phán xét nào, học về tinh thần, dục tính và các mối quan hệ). Tuy nhiên, các em được học tất cả những điều này qua lăng kính của nhà triết học Aristotle.
Bà Emerald Henderson, trưởng khoa triết học và cũng là người tham gia giảng dạy khóa học này, cho biết những bài học về hành vi đạo đức giống như liều thuốc "trừ tà mạnh mẽ" với những người đang bị ám ảnh vì "mạng xã hội và sự hời hợt".
"Thay vì chỉ đơn giản theo đuổi hạnh phúc của riêng mình, chương trình Eudaimonia xem niềm hạnh phúc, thành đạt của mỗi người là hệ quả từ việc sống một cuộc đời tử tế" - bà Emerald Henderson chia sẻ.
Các bài học Eudaimonia mở rộng, xuyên suốt mọi độ tuổi, nhưng tần suất học khác nhau. Chẳng hạn, với trẻ trong độ tuổi 11-12 cứ hai tuần học một bài học, trẻ từ 14-16 học mỗi tuần một bài.
Thiền "khẩn cấp" trị học sinh hư
Trường nội trú Brighton College tại Brighton, Anh nhận học trò từ 3-18 tuổi trước đây cũng đã có những buổi học thiền nhằm giúp các học sinh hay gây rối, không chịu ngồi yên trong lớp. Giáo viên trong trường được trang bị bộ thực hiện thiền "khẩn cấp" để có thể kiềm chế những học sinh gây rối.
Năm ngoái, một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Nuffield Health đã khuyến nghị nên đưa thêm giờ học hạnh phúc vào cùng thời gian biểu với các môn tiếng Anh và toán.
Trẻ sẽ bớt ra khoảng 10 phút trong một ngày học để suy ngẫm về những ý nghĩ cũng như cảm xúc của mình hoặc tập trung quan sát hơi thở. Đó chính là dạng thiền tỉnh thức, một phương pháp đang ngày càng phổ biến nhằm giúp người trẻ của thế kỷ 21 giảm bớt căng thẳng từ thi cử, mạng xã hội, ám ảnh về cơ thể...
Bộ Giáo dục Anh đã công bố triển khai dự án nghiên cứu 2 năm trong các trường học để đánh giá hiệu quả thực tế của các bài học về thiền tỉnh thức, các bài tập thở và các kỹ năng giải tỏa căng thẳng với học sinh. Chính phủ hi vọng chương trình 2 năm này sẽ cung cấp đủ thông tin về việc những bài học thực hành tinh thần này mang lại tác dụng như thế nào với học sinh.
Rối loạn tâm tinh thần Báo The Guardian dẫn nghiên cứu gần đây của Cơ quan Dịch vụ sức khỏe quốc gia (NHS) về sức khỏe tinh thần của những người trẻ năm 2017 cho thấy 1/8 (12,8%) các em trong độ tuổi từ 5-19 gặp ít nhất một rối loạn tinh thần khi được kiểm tra sức khỏe năm 2017. Các rối loạn tâm thần được chia thành bốn nhóm lớn: cảm xúc, hành vi, tăng động và các rối loạn kém phổ biến hơn khác. Những rối loạn cảm xúc là kiểu phổ biến nhất và thường gặp ở nhóm 5-19 tuổi (8,1%). Chỉ riêng số ca nhập viện vì chán ăn ở người trẻ tại Anh cũng đã tăng hơn gấp đôi trong 8 năm qua. |
Theo D.Kim Thoa/Tuổi trẻ