Bộ GD&ĐT vừa công bố dữ liệu số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào từng trường trên hệ thống phần mềm đăng ký xét tuyển. Bức tranh chung cho thấy, khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin, kỹ thuật vẫn hút thí sinh, còn khối ngành khoa học cơ bản, sư phạm vẫn trong tình trạng “ế”.
Thí sinh nhập học tại một trường ĐH năm 2018 Ảnh: Nghiêm Huê
Theo thống kê của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm 2019 là hơn 41.000, tăng 30% so với năm ngoái. Tổng số nguyện vọng (NV) đăng ký là gần 87.000 tăng 15% so năm 2018. Trong đó, NV1 và NV2 chiếm hơn 50% và tăng 20% so với năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh những ngành có số lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh (như Quản trị kinh doanh, Marketing, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị khách sạn và Kinh tế quốc tế) thì cũng có một số ngành có số đăng ký NV 1 khá thấp so với trung bình như: Quản lý công và Chính sách (E-PMP), Khoa học dữ liệu trong Kinh tế & Kinh doanh (DSEB) và Kinh tế tài nguyên thiên nhiên.
Tổng NV đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM lên đến 57.158. Trong đó, tám ngành có số đăng ký nhiều gồm: Công nghệ kỹ thuật ôtô (hệ đại trà), Công nghệ thông tin (hệ đại trà), Công nghệ kỹ thuật ôtô (hệ chất lượng cao tiếng Việt), Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Logistics và Cơ điện tử.
Trong khi đó nhiều ngành số NV đăng ký còn thấp, thiếu nhiều so với chỉ tiêu: vật liệu dệt may, kỹ thuật nữ công, kỹ nghệ gỗ, kỹ thuật công nghiệp, công nghệ môi trường, hệ thống kỹ thuật công trình xây dựng, năng lượng tái tạo, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công nghệ vật liệu...
Năm 2019, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có số lượng đăng ký xét tuyển 32.753 thí sinh tăng cao so với năm ngoái. Các ngành có nhiều thí sinh đăng ký (theo tỷ lệ NV/chỉ tiêu) gồm các ngành: Kĩ thuật (KT) Cơ khí, KT Cơ điện tử, KT Ô tô, KT Hàng không; KT Điện, KT Điều khiển và Tự động hóa, KT Điện tử, Khoa học máy tính, KT máy tính, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) là nhóm ngành có số lượt NV xét tuyển cao nhất, 822.956 NV, trong khi chỉ tiêu là 126.473. Trong khi đó, khối ngành có tỷ lệ “chọi” cao nhất (1/7) là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng), 104.769 chỉ tiêu mà có đến 739.587 NV.
Theo giải thích của Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, do trong khối ngành này có các ngành nhóm an ninh, quốc phòng, tuy chỉ tiêu ít nhưng số NV đăng ký rất cao nên kéo tỷ lệ “chọi” chung của khối ngành cao lên. Khối ngành sức khỏe (khối VI) tuy tổng số NV đăng ký không nhiều (199.573 NV) nhưng do chỉ tiêu ít (34.352) nên tỷ lệ NV trên chỉ tiêu cũng rất cao: 5,8/1. Khổi ngành IV (Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên) có tỷ lệ chọi thấp nhất là 1/2,4.
Tăng chỉ tiêu sư phạm, thí sinh đăng ký vẫn giảm
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu các trường sư phạm năm nay là 46.285. Năm 2018, Bộ GD&ĐT cắt giảm 38% chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm so với năm 2017. Nhưng năm nay nhóm ngành sư phạm lại tăng đến 30,05% so với năm 2018.
Về vấn đề này, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT giải thích: việc giao chỉ tiêu căn cứ vào năng lực đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo. Trên thực tế, năng lực của các trường tăng lên rõ rệt. Vì thế mức chỉ tiêu xác định cũng thay đổi.
Về chỉ tiêu sư phạm tăng, bà Nguyễn Thị Kim Phụng giải thích: Bộ vừa yêu cầu các địa phương phải rà soát và báo cáo về nhu cầu giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tế từ năm 2018-2025.
Theo đó, năm 2019, nhu cầu về giáo viên tăng so với năm 2018, vì thế việc xác định chỉ tiêu sư phạm cũng tăng. Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ không phải câu chuyện mới. Năm 2016, Bộ GD&ĐT nghiên cứu, rà soát, đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 732/QĐ-TTg về đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Kết quả rà soát cho thấy cả nước thừa, thiếu cục bộ khoảng 43.000 giáo viên. Quyết định này chỉ rõ: trong giai đoạn từ 2016-2020 cần đào tạo thêm 190.000 giáo viên, tương đương mỗi năm khoảng 47.500 người. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay không năm nào tuyển được 47.500 sinh viên. Năm 2017, Bộ đã khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên của các tỉnh thành trong cả nước. Tổng hợp kết quả cho thấy, năm 2018 các tỉnh cần đào tạo 59.527 giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin thêm, năm 2018, Bộ đã giao cho các trường sư phạm 35.590 chỉ tiêu, bằng 60% nhu cầu; 40% còn lại để các tỉnh thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm nhưng thực tế chỉ tuyển được hơn 26.000, đạt 44% nhu cầu đào tạo của năm do chính sách chất lượng, nâng cao điểm sàn sư phạm tối thiểu phải 17 điểm đối với trình độ ĐH. Năm nay, theo số liệu thống kê tính đến 14/5, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên còn ít hơn năm 2018 nên khó có khả năng tuyển đủ chỉ tiêu nêu trên. Mặc dù vậy, bà Phụng khẳng định sẽ không cho chuyện hạ điểm sàn để lấy đủ số lượng.
Năm 2019, chỉ tiêu tăng lên hơn 10.000 nhưng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành này lại giảm gần 10.000. Theo đó, chỉ có 115.311 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành sư phạm. Riêng số nguyện vọng 1 đăng ký vào nhóm ngành này là 39.789, thấp hơn cả chỉ tiêu cần tuyển.
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong