Do gian lận tinh vi, mất đến chín tháng điểm thi thật của thí sinh ở Sơn La, Hoà Bình mới được hé lộ, gần 20 người bị khởi tố.
Ngày 11/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia. Chưa đầy một ngày sau, thông tin về những bất thường trong điểm thi ở Hà Giang gây xôn xao dư luận.
Là vùng trũng giáo dục, điểm trung bình chín môn thi THPT quốc gia thuộc hàng thấp nhất cả nước, nhưng Hà Giang có hàng trăm thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên ở các môn khoa học tự nhiên. 36/76 thí sinh cả nước có tổng điểm khối A1 trên 27 đến từ Hà Giang. Với khối A, tỉnh biên giới cũng chiếm tới 1/3 số thí sinh được trên 27 điểm.
Những con số bất thường khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo lập đoàn công tác, với sự tham gia của Bộ Công an, lên Hà Giang để làm rõ. Kết quả, 114 thí sinh bị phát hiện có sai lệch, cá biệt có em tổng điểm các môn tăng tới 29,95.
Căn cứ quy chế thi THPT quốc gia, kết quả chấm thẩm định được sử dụng thay thế cho điểm thi đã công bố. 114 thí sinh được nâng điểm bị trả về điểm thực.
Sở dĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể nhanh chóng trả điểm thật về cho thí sinh là hình thức gian lận ở Hà Giang khá đơn giản. File trạng thái bài làm ban đầu của thí sinh được lưu trong đĩa CD1 gửi về Bộ trước đó chưa bị can thiệp, chỉ có đĩa CD2 gồm điểm bài thi mới bị sửa.
Ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), là người trực tiếp can thiệp bài thi của thí sinh. Khi nhận được tin nhắn đề nghị sửa điểm, ông Lương nhập các số báo danh, file excel bài làm của thí sinh vào máy tính.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án 9 môn thi THPT quốc gia, ông Lương tải toàn bộ đáp án về, xử lý sang file excel, lưu vào máy. Ông này sau đó sao chép file đáp án của Bộ và dán đè lên file bài làm của thí sinh. Cuối cùng, ông rút bài thi của thí sinh, tẩy xóa và sửa theo đáp án đã chuẩn bị trước.
Đối chiếu dữ liệu trong đĩa CD1 và CD2, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Công an nhanh chóng phát hiện ra sai phạm và trả điểm thực cho thí sinh chỉ sau một tuần kể từ khi điều tra. Điều này làm hạn chế những hệ lụy phát sinh sau đó, thí sinh được nâng điểm không thể nhập học vào các trường đại học, cao đẳng.
Chín tháng đi tìm điểm thật của thí sinh Sơn La, Hòa Bình
Vụ điểm thi bất thường ở Hà Giang chưa lắng xuống thì dư luận lại sôi sục khi thống kê dữ liệu điểm của Sơn La và Hòa Bình tràn ngập với những mâu thuẫn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Công an lại lên đường xác minh. Nhiều sai phạm được chỉ ra. Ví dụ, ở Sơn La, năm cán bộ tham gia sửa điểm thi được xác định ngay cùng những sai phạm tập trung ở khâu quản lý bài thi và chấm thi.
Đối với Hòa Bình, Bộ tổ chức chấm thẩm định trên bài thi nhưng không phát hiện chênh lệch điểm. Chỉ khi phối hợp với Bộ Công an, việc can thiệp vào phiếu trả lời của thí sinh để làm tăng điểm thi mới được xác định.
Nghi vấn có sai phạm từ cuối tháng 7/2018 nhưng đến năm 2019 mánh gian lận ở Sơn La và Hòa Bình mới được chỉ ra và đến tháng 4/2019, điểm chấm thẩm định bài thi của 64 thí sinh Hòa Bình cùng 44 thí sinh Sơn La mới được hé lộ.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Công an, gian lận của Sơn La tinh vi hơn nhiều so với Hà Giang. Quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm, tổ trưởng là ông Trần Xuân Yến (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh) đã cho phép tổ do mình quản lý sửa bài thi, nâng điểm cho thí sinh. Lô bài đã sửa chữa sau đó mới được quét, lưu thành đĩa CD1 để gửi về Bộ Giáo dục.
Việc sửa bài thi được thực hiện bằng cách rút bài của thí sinh ra rồi sửa đáp án. Theo dây chuyền, một thành viên trong tổ xử lý bài thi trắc nghiệm phụ trách việc quét, sửa lỗi bài thi; một người khác làm nhiệm vụ quét phiếu trả lời trắc nghiệm và một người nữa cắt túi bài thi, phân lô để giao cho nhóm quét bài.
Còn với Hòa Bình, những người can thiệp bài thi của thí sinh đã thống nhất sửa trực tiếp trên bài thi trước khi đưa vào máy quét file ảnh, lưu thành đĩa CD1 gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhóm này đã niêm phong cửa phòng thi sao cho bóc dễ dàng. Họ rạch dao theo mép giấy niêm phong túi đựng bài thi số 2, số 1, lấy các bài thi của thí sinh cần nâng điểm, đối chiếu với đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tẩy đáp án sai, dùng bút chì tô lại đáp án đúng. Có bài, họ tẩy và tô lại tất cả đáp án theo mức điểm được yêu cầu.
Sau khi sửa, nhóm người này cho bài thi vào túi đựng bài, dùng ghim hoặc phết một lớp hồ dán lên tờ niêm phong để không bị phát hiện. Một số bài thi đã lên hệ thống mà chưa kịp sửa, họ quét lại toàn bộ hoặc quét riêng từng bài để đè lên những bài đã nhập trước đó.
16 người trong ngành giáo dục và công an bị khởi tố
Tháng 7/2018, Công an Hà Giang khởi tố bị can với ông Vũ Trọng Lương - người đã can thiệp trực tiếp vào bài thi của 114 thí sinh Hà Giang. Ông Lương bị bắt, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang) bị điều tra với cùng tội danh.
Đến ngày 8/4, sau gần chín tháng, Cơ quan điều tra khởi tố thêm bà Triệu Thị Chính (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Trưởng Ban chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 Hà Giang) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Một Phó giám đốc khác là ông Phạm Văn Khuông cùng bà Lê Thị Dung (Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị khởi tố cùng tội danh. Ba bị can này được tại ngoại song cấm đi khỏi nơi cư trú.
Với Hòa Bình, ba người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh); Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên hiệu phó Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) và Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh).
Ở Sơn La, cơ quan điều tra đã khởi tố tám bị can về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Người bị khởi tố gần đây nhất (9/4) là ông Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) do đã tích cực trợ giúp một số người trong đường dây sửa chữa cho một số thí sinh. Ông nhờ nâng điểm cho em vợ và một người khác.
Trong số tám người ở Sơn La bị khởi tố, có ông Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ) - người đã thông đồng mở khóa phòng chứa bài thi; và ông Trần Xuân Yến (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm) vì liên quan trực tiếp, nghiêm trọng trong việc can thiệp bài thi.
Ông Yến và bà Nguyễn Thị Hồng Nga (Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu); Lò Văn Huynh (Phó trưởng phòng Khảo thí); Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng) bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Hàng loạt cán bộ bị khởi tố do liên quan đến gian lận điểm thi ở ba tỉnh chưa khiến dư luận hết bất bình. Những tranh luận trái chiều trong việc xử lý thế nào với những thí sinh được nâng điểm vẫn gay gắt.
Trong thời gian xác định điểm thi thật, nhiều thí sinh Hòa Bình, Sơn La đã không nhập học đại học dù trúng tuyển thủ khoa, á khoa các trường danh tiếng, ví dụ trường hợp thủ khoa Học viện Hậu cần. Một bộ phận khác đã nhập học và sắp hoàn thành chương trình năm đầu tiên đại học.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao điểm thật của các thí sinh được nâng điểm cho Hòa Bình và Sơn La, nhiều đại học đang hoàn thiện thủ tục buộc thôi học đối với những thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển của trường. Ít nhất 32 sinh viên đã bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển.
Ngược lại, những thí sinh có điểm chấm thẩm định giảm nhưng vẫn đủ trúng tuyển vẫn được học bình thường. Điều này khiến nhiều người bất bình vì những thí sinh được nâng điểm gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn một số hình thức vi phạm quy chế thi. Vậy nhưng trong khi thí sinh vi phạm quy chế như mang điện thoại vào phòng sẽ bị đình chỉ thi thì các thí sinh gian lận điểm ở Hòa Bình, Sơn La lại không hề hấn gì.
Không chỉ liên quan đến việc xử lý thí sinh được nâng điểm, dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc công bố danh tính thí sinh và người mua điểm.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/4, Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam nhận định việc công bố danh tính học sinh được nâng điểm hay không là vấn đề quan trọng. Bộ Công an đã trao đổi kỹ với các bên liên quan để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng phải nhân văn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng quyền công bố thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, mức độ công bố thế nào thì phải xem xét. "Chúng ta xử lý phải nhân văn, không nên làm ảnh hưởng đến các cháu, vì có thể các cháu cũng không biết việc gian lận điểm. Chúng ta phải nêu đúng, trúng, khách quan, nhưng đừng tạo ra sự phức tạp khác", ông Dũng nói.
Theo VnExpress