Cần có giải pháp vừa đúng quy định pháp luật nhưng vẫn hợp tình, hợp lý cho gần 300 giáo viên hợp đồng lâu năm ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc làm.
Gần 300 giáo viên hợp đồng cả cấp Tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó có người đã cống hiến trong ngành gần 30 năm, vừa viết đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng trước nguy cơ họ sắp bị mất việc làm.
Theo đơn kiến nghị của gần 300 giáo viên hợp đồng , sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, họ được UBND huyện Sóc Sơn ký hợp đồng lao động và được phân công về giảng dạy tại các trường trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, đã có giáo viên công tác trong ngành giáo dục huyện Sóc Sơn gần 30 năm.
Nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang lo lắng trước nguy cơ có thể bị mất việc làm (Ảnh: Thanh niên)
Nhiều giáo viên hợp đồng từng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Không ít thầy cô luôn là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Có thầy cô được tặng bằng khen các cấp, tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục.
Tuy nhiên, các giáo viên đang lo lắng là có thể trong kỳ thi tuyển viên chức sắp tới, trong số họ sẽ khó có thể đỗ vì họ có tuổi rồi, rất khó cạnh tranh với những ứng viên trẻ tuổi với chương trình đào tạo mới. Khi trượt viên chức có nghĩa là sẽ bị mất việc làm và sẽ làm cho cuộc sống gia đình bị đảo lộn, ảnh hưởng đến thu nhập, danh dự của bản thân...
Nguyên nhân khiến hàng trăm giáo viên phải dạy hợp đồng lâu năm
Được biết, UBND huyện Sóc Sơn đã mời gần 300 giáo viên hợp đồng trong toàn huyện để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các giáo viên hợp đồng. Cuộc họp cho thấy, họ đều mong muốn được xét tuyển vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển vì đã cống hiến cho ngành Giáo dục Sóc Sơn từ năm 1995 đến nay.
Trước sự việc trên, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, chính sách thi tuyển viên chức là của thành phố theo tinh thần Nghị định 161 của Chính phủ. Huyện cũng đã có đề xuất lên UBND TP về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Việc muốn xét đặc cách cho các giáo viên hợp đồng thì không thuộc thẩm quyền của huyện nữa mà phải từ thành phố.
“Nếu cấp trên tạo điều kiện để có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các giáo viên hợp đồng thì tốt quá. Về phía địa phương cũng mong muốn làm sao để có thể giải quyết được cho anh chị em giáo viên hợp đồng lâu năm”, ông Lê Hữu Mạnh nói.
Giáo viên này không kiềm được dòng nước mắt vì có thể bị mất việc làm (Ảnh: VietnamNet)
Lý giải việc có tới gần 300 giáo viên hợp đồng, trong đó có người tuổi đã cao mà vẫn chưa thi tuyển viên chức, bà Trần Thị Toàn, Phó trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, hiện nay không chỉ Sóc Sơn, ở các quận, huyện khác ở Hà Nội đều có tình trạng này.
Những năm chưa có Luật Viên chức ra đời, thành phố giao chỉ tiêu hợp đồng cho các quận, huyện căn cứ vào nhu cầu, công việc. Khi Luật Viên chức ra đời, không thể một phát "áp" toàn bộ số giáo viên vào tuyển dụng. Đây là năm thứ 4 thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển dụng. Sở Nội vụ đề xuất cho Hà Nội cơ chế đặc thù là dùng biên chế trong chỉ tiêu định mức được giao mà chưa thể bố trí ngay được biên chế.
Trong khi đó, số lớp, số học sinh thì liên tục tăng; còn công tác thi tuyển thì thành phố không triển khai. Vì vậy, huyện không thể để thiếu giáo viên dạy học sinh nên phải tiếp tục ký hợp đồng lao động nên mới có số giáo viên giảng dạy lâu năm nhưng chưa thi tuyển viên chức.
Đề cập tới việc hỗ trợ giáo viên làm việc hợp đồng lâu năm có nguy cơ mất việc, bà Trần Thị Toàn cho biết, sau kỳ thi tuyển viên chức sắp tới, UBND huyện Sóc Sơn sẽ có cuộc rà soát tổng thể số giáo viên. Phòng Nội vụ sẽ có báo cáo, đề xuất các giải pháp với UBND huyện Sóc Sơn, UBND thành phố Hà Nội.
Giải pháp nào vừa hợp lý, hợp tình?
Với những giải thích của của lãnh đạo, cán bộ huyện Sóc Sơn như trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp giải quyết cho những giáo viên có thâm niên giảng dạy hợp đồng lâu năm nếu trượt viên chức. Đặc biệt là với những người có thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc công ty Luật Bảo Ngọc nêu quan điểm, Nghị định 161 của Chính phủ đã có những quy định rõ về về việc tuyển dụng viên chức nên các địa phương phải thực hiện đúng theo luật. Tuy nhiên, với trường hợp của Sóc Sơn, UBND huyện cần có đề xuất những giải pháp cụ thể cho những giáo viên giảng dạy hợp đồng lâu năm đã có những đóng góp thực sự trong việc giảng dạy hay có chính sách hỗ trợ cho những giáo viên có thâm niên công tác sẽ trượt viên chức trong kỳ thi sắp tới.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, cần có sự rà soát lại vì sao tại huyện Sóc Sơn lại có việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng lâu năm như vậy. Việc tuyển dụng có đúng quy trình không. Nếu sai thì ở đâu và ai là người phải chịu trách nhiệm.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, chính sách thi tuyển viên chức của thành phố Hà Nội theo tinh thần Nghị định 161 của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức là việc làm đúng đắn.
Tuy nhiên, khi thực hiện thi viên chức, UBND huyện Sóc Sơn cũng cần phản ánh tình hình thực tế số giáo viên của địa phương lên thành phố để có những giải pháp xem xét cho những giáo viên giảng dạy hợp đồng lâu năm giảng dạy giỏi, có đóng góp, cống hiến thực sự cho ngành Giáo dục dựa trên tiêu chí rõ ràng, minh bạch.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội
Còn GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các địa phương không thể sử dụng giáo viên chưa đạt chuẩn để giảng dạy. Vì vậy, đợt thi tuyển viên chức giáo viên sắp tới ở Sóc Sơn cũng là để kiểm tra lại kiến thức, chọn lọc người giỏi, có tâm huyết để tiếp tục giảng dạy cũng là rất bình thường. Tuy nhiên, đề thi phải theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện tại ở các cấp học. Kỳ thi phải thực sự nghiêm túc, khách quan.
Trong kỳ thi viên chức sắp tới ở Sóc Sơn, sẽ có những người trúng tuyển tiếp tục được giảng dạy và cũng sẽ có người trượt. Vì vậy, UBND huyện Sóc Sơn cần phải xem xét hỗ trợ cho những giáo viên giảng dạy lâu năm trượt viên chức không bị thiệt thòi như đảm bảo về chế độ bảo hiểm xã hội, hỗ trợ một khoản tiền trợ cấp cho họ nghỉ việc sớm hơn dự kiến...
Ngoài ra, UBND huyện Sóc Sơn nên có sự rà soát lại các công việc ở trong trường học. Theo đó, các giáo viên giảng dạy hợp đồng lâu năm có thể luân chuyển sang làm các công việc khác như nhân viên thư viện, nhân viên thiết bị ở trong trường học... phù hợp với sở thích, nhu cầu của từng người./.
Theo Bích Lan/VOV.VN