Trong năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó đặc biệt ưu tiên việc bồi dưỡng giáo viên và viết sách giáo khoa lớp một.
Trong năm 2019, ngành giáo dục sẽ đặc biệt chú trọng bồi dưỡng giáo viên và viết sách giáo khoa lớp một. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã có kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, bắt đầu với lớp một.
Thực nghiệm sách trong học kỳ một năm học 2019-2020
Về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao viết một bộ sách giáo khoa để đảm bảo có một bộ sách cho tất cả các môn học và hoạt động giáo dục theo Nghị quyết 88 của Chính phủ, ông Thành cho biết tới đây, Bộ sẽ tổ chức tuyển chọn chủ biên và tác giả để tổ chức biên soạn. Trong một vài ngày tới, Bộ sẽ gửi thư mời. Sau khi có chủ biên, tác giả, bộ sẽ tập huấn để đảm bảo sách được viết theo chủ trương của chương trình mới. Trong đó, sẽ có những nội dung mới cần đưa vào như chống định kiến, bình đẳng giới…
Trong năm 2019, Bộ sẽ tập trung vào sách lớp một để triển khai kịp thời. Trong học kỳ một năm học 2019-2020, sách sẽ được thực nghiệm ở một số lớp thuộc một số địa phương.
“Chương trình mới sẽ có những thay đổi so với chương tình hiện hành về nội dung kiến thức, phần nào không phù hợp sẽ được thay thế, theo hướng phát triển năng lực học sinh, để đảm bảo sách hỗ trợ tốt nhất cho việc đạy và học,” ông Thành chia sẻ.
Phân loại đối tượng để bồi dưỡng giáo viên
Về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, ông Thành cho hay, có bốn đối tượng tập trung bồi dưỡng: cán bộ quản lý cấp phòng, sở giáo dục, đơn vị quản lý chỉ đạo trên toàn quốc; hiệu trưởng là người trực tiếp quản lý thực thi với hơn 28.000 trường; giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông với khoảng 900.000 người; cán bộ sẽ triển khai bồi dưỡng, là giảng viên sư phạm chủ chốt.
Nội dung bồi dưỡng tập trung được xây dựng phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ, với hiệu trưởng sẽ tập trung vào việc tổ chức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong nhà trường. Với giáo viên, tập trung tập huấn thực hiện các phương pháp kỹ thuật dạy học tích cực theo tinh thần phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Phương thức bồi dưỡng kết hợp giữa qua mạng internet và trực tiếp. Trong đó, việc tập huấn qua mạng không chỉ là lý thuyết mà chú trọng các vấn đề thiết thực nhất với giáo viên trong quá trình thực hiện triển khai, tập trung vào nghiên cứu các trường hợp cụ thể, có các bài học minh họa và phân tích, tập huấn trên công việc.
Về tập huấn trực tiếp, sẽ bồi dưỡng từ đội ngũ báo cáo viên nguồn, cốt cán, từ đó bồi dưỡng đại trà. Lực lượng báo cáo viên nguồn gồm các giảng viên sư phạm, các cán bộ quản lý giỏi, hiệu trưởng và giáo viên giỏi, từ đó bồi dưỡng cho khoảng 800 giảng viên sư phạm chủ chốt. Tiếp đó sẽ mở rộng tập huấn cho 713 trưởng phòng giáo dục đào tạo, hơn 1.000 cán bộ giáo dục cấp phòng, 4.000 hiệu trưởng cốt, 7.000 đến 8.000 tổ trưởng bộ môn, 28.000 giáo viên cốt cán để hiểu thật rõ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Mỗi trường chọn một giáo viên cốt cán, đảm bảo trong một khu vực quận, huyện, có đủ giáo viên cốt cán cho tất cả các môn học. Đội ngũ này sẽ tiếp tục mở rộng bồi dưỡng đại trà ở các địa phương.
“Trong 2019 sẽ tập trung hướng tới giáo viên dạy lớp một. Hiện bậc tiểu học có khoảng 350.000 giáo viên, trong đó 70.000 giáo viên lớp một sẽ là đối tượng được ưu tiên triển khai tập huấn,” ông Thành cho hay.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)