Gần đây xảy ra các vụ dâm ô, gạ tình học sinh. Điều này gióng lên hồi chuông về đạo đức nhà giáo và cần có giải pháp căn cơ để ngăn chặn triệt để.
Trong thời gian gần đây, dư luận xã hội đặc biệt dành sự quan tâm, tranh luận xung quanh những vụ việc liên quan đến quan hệ giữa thầy cô giáo với học sinh. Đó là vụ một thầy giáo ở trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố dâm ô với nhiều học sinh gái. Vụ việc này chưa tạm lắng thì ngay sau đó, dư luận lại bàng hoàng với việc một thầy giáo ở trường THPT chuyên Thái Bình nhiều lần nhắn tin “gạ tình” với một nữ sinh.
Và gần đây nhất là chuyện một cô giáo ở tỉnh Bình Thuận bị chồng tố cáo có quan hệ bất chính với học sinh lớp 10. Điều này đang khiến nhiều người đi từ sửng sốt đến lo lắng về sự xuống cấp trong môi trường sư phạm.
Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - nơi có thầy giáo bị tố cáo dâm ô với nhiều học sinh gái (Ảnh: Zing.vn)
Mặc dù các vụ việc trên đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nhưng lại gióng lên một hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức nhà giáo, quan hệ thầy- trò.
Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), trong thời gian qua, Bộ đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh đạo đức nhà giáo. Vấn đề này đã được thực thi ở địa phương – nơi tuyển chọn, sử dụng và quản lý trực tiếp đội ngũ nhà giáo và các nơi cũng đã vào cuộc rất tích cực để xử lý những sai phạm.
Tại một hội nghị tổng kết của ngành Giáo dục năm 2018 được tổ chức trực tuyến ở 63 tỉnh, thành có các lãnh đạo tỉnh tham dự, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các địa phương phải xử lý nghiêm giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Cần thay đổi cách giảng dạy, tuyển chọn giáo viên
Là một giảng viên và cán bộ quản lý lâu năm trong ngành giáo dục, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, lâu nay, ở các trường sư phạm đều có những giáo trình giảng dạy về đạo đức nhà giáo và những điều giáo viên không được làm. Các trường cũng đã có những buổi giảng dạy, rèn luyện về vấn đề này cho những sinh viên khi đang ngồi trên giảng đường.
Theo GS.TS Đinh Quang Báo, những vụ việc thiếu chuẩn mực đạo đức nhà giáo nổi lên trong thời gian gần đây cần phải nhìn nhận từ nhiều phía, nhiều chiều, liệu đây có phải là những hiện tượng cá biệt như “con sâu làm rầu nồi canh” không? Nếu thực sự những vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo xảy ra nhiều trong thời gian ngắn thì ngành Giáo dục cần phải có sự quản lý, kiểm soát giáo viên chặt chẽ hơn. Có thể bằng cách quy định rõ trách nhiệm của giáo viên, của hiệu trưởng khi để xảy ra các vụ việc đáng tiếc liên quan đến quan hệ thầy- trò.
Nhiều người bức xúc trước những tin nhắn quá mùi mẫn, tình cảm trên mức thầy trò của một thầy giáo ở trường THPT chuyên Thái Bình (ảnh: Facebook)
Đứng ở góc độ tâm lý học, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm, thực tế là thời gian gần đây xảy ra liên tục những vụ việc dâm ô, gạ tình học sinh là do các địa phương, trường học chưa có sự chọn lọc đúng người thực sự giỏi chuyên môn, đủ tư cách, đạo đức để dạy học.
Theo Tiến sĩ Tùng Lâm, đã đến lúc, ngành Giáo dục cần phải giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các trường học. Đặc biệt là quy trách nhiệm trực tiếp cho hiệu trưởng trong việc tăng cường bồi dưỡng tư cách, đạo đức cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát sàng lọc giáo viên. Đừng để đến khi “cháy nhà thì mới la làng” mà phải có giải pháp căn cơ từ trong khâu tuyển dụng, đãi ngộ người giỏi, có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt để giảng dạy.
Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh, một cô giáo tại trường THPT ở Hà Nội lại lý giải, để xảy ra các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo như trên cũng là do việc đào tạo về chuẩn mực đạo đức cho những giáo viên tương lai ở trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm chưa được tăng cường thường xuyên.
Hiện nay, ở các trường ĐH chủ yếu vẫn là giảng dạy lý thuyết, chuyên môn cho sinh viên chứ chưa tăng cường các kỹ năng, tình huống sư phạm; sinh viên chưa được rèn luyện kỹ về đạo đức và những điều không bao giờ được vi phạm. Vì vậy, nhiều người khi được tuyển dụng vào giảng dạy ở các trường học chưa biết giới hạn trong cư xử giữa thầy cô giáo với học trò, chưa biết xử lý các tình huống trong môi trường sư phạm.
Do đó, thời gian tới, để không xảy ra các vụ việc đáng tiếc như trên cần thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho sinh viên từ khi ngồi trên giảng đường. Việc tuyển dụng người có năng lực, phẩm chất tốt cũng nên quy trách nhiệm cho địa phương, trường học ngay từ khâu tuyển dụng, chứ không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”./.
Theo Bích Lan/VOV.VN