Nếu học sinh nào cũng “diễn” giỏi, cũng giơ tay và trả lời đúng thì giáo viên (GV) dự thi GV dạy giỏi sẽ không còn “đất” để thể hiện khả năng của mình.
Nhiều ý kiến đang "lên án" về bệnh thành tích trong thi giáo viên dạy giỏi hiện nay. Ảnh minh hoạ: HN
Bàn về việc “diễn” trong thi GV dạy giỏi, một cán bộ công tác tại Học viện Quản lý Giáo dục thừa nhận, việc GV vì áp lực thành tích nên gửi bớt học sinh yếu kém đi sang lớp khác hay cho nghỉ ở nhà không phải là hiếm, thậm chí là khá thường thấy.
Vị này cũng tiết lộ, thực tế để dự GV dạy giỏi sẽ rất mệt mỏi và mất nhiều thời gian. Khi trường quyết định chọn GV sẽ tham gia thi dạy giỏi thì gần như dồn toàn công sức vào đó, tạo điều kiện thời gian chuẩn bị bài, họp tổ chuyên môn để góp ý, rồi sau đó đi tìm chuyên gia, các giảng viên đại học để xin tư vấn thêm.
Sau khi chuẩn bị xong, GV sẽ phải dạy rất nhiều lần tại các lớp cho thuần thục, thậm chí, sang cả trường khác để dạy thử.
“Vài tháng chỉ để luyện 1 bài thì đó có phải là phô diễn hay không khi GV, học sinh học quá “nhuyễn” rồi", cán bộ này đặt nói.
Ở góc độ quản lý, thạc sĩ Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục - cho rằng: “Các nhà quản lý đừng yêu cầu GV quá chuẩn chỉ trong các giờ dạy để GV phải đối phó. Tôi tin rằng, nếu không vì áp lực thành tích, các thầy cô, học sinh sẽ không phải “diễn” như vậy. Phải coi tiết dạy thi GV giỏi giống như tiết dạy minh hoạ để GV học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”, bà Loan nói.
Nhận định về sự kiện ở Hải Phòng, bà Văn Liên Na – Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội -cho rằng, dù lí do gì nhưng khi nhà trường cho một số học sinh nghỉ học tiết GV thi dạy giỏi sẽ khiến tâm lí của học sinh, phụ huynh bị ảnh hưởng, thậm chí, gây nên tâm lí xấu hổ, so bì giữa các em với nhau.
“Tôi cho rằng, trong tiết thi GV dạy giỏi, nếu học sinh nào cũng giơ tay, cũng trả lời đúng thì GV làm gì có cơ hội “toả sáng”. Việc hướng dẫn các em học sinh kém hơn một chút sẽ giúp GV thể hiện chuyên môn, khả năng sư phạm của mình”, bà Na nhận định.
Bà Na cũng cho biết, việc thi GV dạy giỏi không khẳng định được hết năng lực của GV, không thể nói GV không tham gia thi là không giỏi. Lãnh đạo Trường Lương Thế Vinh cũng bật mí cách đánh giá GV dạy giỏi của nhà trường được thể hiện qua đánh giá của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp, kết quả thầy cô “vực” lớp lên như thế nào.
Việc đánh giá GV được thực hiện vào cuối năm, học sinh không phải ghi tên vào phiếu đánh giá để không ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy cô. Kết quả đánh giá được công bố công khai, GV dựa vào đó để biết điểm mạnh, điểm yếu, tự điều chỉnh bản thân.
“Tôi không ủng hộ việc duy trì hội thi GV dạy giỏi như hiện nay. Để tiếp tục duy trì cuộc thi này thì nên để GV bốc thăm bài giảng và chuẩn bị trong 1 tuần, không báo trước thời gian sẽ đến dự giờ”, bà Na cho hay.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhiều lần nhấn mạnh, việc thi GV dạy giỏi hiện nay nhiều nơi chỉ là diễn và ông không ủng hộ hình thức này.
Theo Tuệ Nhi/Lao động