Những quy tắc vàng dưới đây có thể giúp cha mẹ “kết nối” được với trẻ ngay cả khi chúng vô cùng bướng bỉnh.
Đối với những đứa trẻ bướng bỉnh, đòn roi có thể khiến chúng càng phản ứng mạnh mẽ. Thay vì “ra lệnh”, việc kiên nhẫn trò chuyện và chơi cùng con sẽ khiến đứa trẻ nghe lời cha mẹ hơn.
Phụ huynh nào cũng sẽ phải đối mặt với tình huống con không chịu nghe lời mà chỉ thích làm theo ý mình. Cha mẹ có thể thử cách đổi vai trò. Hãy để đứa trẻ được đóng vai trò của cha mẹ, cha mẹ sẽ thấy rằng con ngay lập tức thích thú với trò chơi và trở nên ngoan ngoãn hơn.
Cha mẹ nên làm gì khi phạt mà con không chịu nghe? Hãy nói chuyện với con như một người lớn, giải thích tại sao con lại mắc lỗi và tại sao lại bị phạt. Cha mẹ có thể đưa ra các lựa chọn: sẽ bị cắt giảm tiền tiêu vặt hoặc sẽ phải rửa chén đĩa trong một tuần. Hãy để trẻ có quyền lựa chọn ngay cả khi con phạm sai lầm thay vì phạt chúng đứng một góc trong thời gian dài để suy nghĩ về hành vi. Cố gắng truyền đạt và tìm ra hướng giải quyết giúp con sửa sai.
Nếu trẻ nhất định không chịu ăn mà chỉ đòi ăn kẹo, hãy cho con được ăn chúng sau bữa ăn. Mẹo này sẽ hiệu quả nếu đứa trẻ là người thích thi đua. Chúng sẽ cố gắng hết sức để ăn nhanh chóng. Tuy nhiên, không nên tìm cách thỏa hiệp với con quá nhiều.
Nếu trẻ ăn quá chậm còn cha mẹ lại bận rộn không có thời gian theo sát con, hãy biến bữa ăn thành niềm vui bằng cách đề nghị con đếm xem cần bao nhiêu thìa để ăn hết bát cơm. Làm điều này, đứa trẻ thậm chí sẽ không kịp nhận ra mình đã ăn hết bát cơm từ khi nào.
Thật dễ dàng khi yêu cầu trẻ làm gì nếu biến điều đó thành một trò chơi. Buổi sáng nếu con chưa chịu thay đồ đi học, cha mẹ có thể thử một trò chơi, ví dụ đố con rằng: “Xem con có thể mặc quần áo khi nhắm mắt hay không?”. Trẻ con thường rất thích chơi. Do đó, chúng sẽ thực hiện các công việc buổi sáng nhanh hơn mà không cần đến những lời la mắng giục giã của cha mẹ.
Thúy Nga/Vietnamnet (Theo Brightside)