Dạy văn miễn phí, tặng sách hay, truyền cảm hứng, nói chuyện thực tế... là những việc cô Nam Linh thực hiện mỗi tối chủ nhật hàng tuần tại lớp học Niềm vui gần 10 năm nay.
Lớp học vì yêu mà đến
Ghé chân dừng lại trung tâm GDTX TP.Đông Hà - Quảng Trị mỗi cuối tuần, ta sẽ bắt gặp lớp học niềm vui đầy ắp tiếng cười của cô giáo Lê Nam Linh. Lớp dành cho mọi học sinh THPT muốn học tốt môn văn.
Cô Linh còn có tên cô Nụ cười, lớp của cô còn có tên lớp Niềm vui.
Cô Nam Linh và logo của lớp học
Lớp học diễn ra từ 17h-19h mỗi tối chủ nhật với gần 60 học sinh đến từ các địa phương, trường học trong tỉnh. Không chỉ học sinh các trường tại Đông Hà mà cả những em có nhà ở thị xã Quảng Trị, Triệu Phong, Gio Linh… đều đến học rất chuyên cần.
Học sinh đến với lớp Niềm vui đủ cả 3 khối 10, 11, 12. Tuy vậy, cô Linh vẫn có bài giảng phù hợp để tất cả các em đều tiếp thu được, miễn là học sinh có niềm yêu thích đối với môn học này.
Tốt nghiệp ngành ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế năm 1994, hơn 20 năm qua, cô Lê Nam Linh đã giảng dạy qua nhiều trường khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trải qua nhiều trường, dạy bộ môn thiên về cảm xúc, cô nhận thấy giới trẻ càng ngày càng xa rời các môn xã hội, lười đọc sách, có em đam mê nhưng điều kiện hoàn cảnh lại không cho phép theo đuổi. Chính vì vậy, khi đang còn đang giảng dạy tại trường Chu Văn An, cô đã nung nấu và mở ra lớp học “Niềm vui” dạy văn miễn phí.
Nhưng trên quãng đường “lái đò” của mình, đâu phải cô dễ dàng mà có được thứ mình muốn. Để mở và duy trì lớp “Niềm vui”, cô đã gặp rất nhiều khó khăn.
Cô Linh kể: “Lớp học mà tôi hướng đến là các em học sinh đa độ tuổi, rất khó tìm được thời gian rảnh chung để mở lớp. Vì vậy, giai đoạn đầu tôi lập hẳn một trang web, tranh thủ dành thời gian online để hướng dẫn, giúp những em yêu thích môn Văn trau dồi kỹ năng. Tôi tận dụng mạng xã hội để kết giao với nhiều đồng nghiệp, kiếm tìm và chia sẻ kinh nghiệm, tư liệu, phương pháp dạy học để cho việc dạy học Văn ngày càng thú vị mà thiết thực, níu các em học sinh gần hơn với vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ”.
Khi có đủ điều kiện, cô mở lớp. Dù cả tuần rất bận rộn với công việc dạy học ở trường, nhưng ngày chủ nhật cô vẫn tranh thủ đến với lớp học miễn phí. Năm này nối năm khác, lớp bắt đầu mở vào đầu năm học và cũng kết thúc khi năm học ở các trường tổng kết.
Lấy đam mê nuôi đam mê
Trong mỗi buổi học, cô Linh hướng đến cách dạy thoải mái, không bó buộc rập khuôn. Cô cũng coi trọng sự tương tác, kích thích tư duy, phản biện vấn đề, rèn luyện tính độc lập cho học sinh.
Vì thế, cô luôn giới thiệu sách hay, những trích dẫn hay, lồng ghép kể những câu chuyện thực tế trong cuộc sống để học sinh nói lên suy nghĩ, cảm nhận, gợi lên những ý tưởng, quan điểm, chính kiến mới trong cuộc sống.
Lớp học mỗi tối chủ nhật
Cô Linh cũng bám sát sách giáo khoa để cho học sinh làm bài, trong đó có những câu hỏi cơ bản theo kiến thức từng khối lớp, giới thiệu các đề thi cho học sinh luyện tập, ra câu hỏi, bài tập, chấm giải và tặng sách cho những em xuất sắc...
Cô Linh nói đây là lớp học dành cho sự tương tác và phản biện. Một lớp học không chỉ truyền thụ tri thức mà cao hơn, dạy cho các em cách nhìn nhận tốt đẹp về cuộc đời, rèn luyện lời ăn tiếng nói cho các em nhờ ngôn ngữ văn học mà còn được học làm người tử tế.
Tài liệu, giáo án dạy đều do cô dày công nghiên cứu, thiết kế và phát miễn phí. Khi hỏi đến nguồn tiền chi trả cho việc đó thì cô cười bảo: “Đây chỉ là khoản nho nhỏ thôi, nhiều khi tôi còn nịnh xin chồng tiền đặt mua tài liệu cho trò”.
Trong suốt nhiều năm đứng lớp miễn phí, cô Nam Linh có rất nhiều kỷ niệm, mà đáng nhớ nhất chính là hôm sinh nhật cô năm đầu tiên mở lớp. Cả lớp lên kế hoạch chuẩn bị, đi học thật sớm để trang trí, mua bánh kem chúc mừng. Lúc đó, cô bất ngờ lắm và không bao giờ quên được.
Ngoài mở lớp niềm vui dạy miễn phí, cô còn là người truyền lửa đến cho vùng xa với việc nuôi dưỡng văn hóa đọc bằng cách xây dựng các tủ sách học đường, kết nối với các Mạnh thường quân để đưa sách đến tận tay người đọc. Đồng thời là người trung gian trao học bổng từ các nhà tài trợ đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô mong việc “sách hóa nông thôn” sẽ giúp cho những mầm non tương lai phát triển nhân cách hoàn thiện hơn, sống nhân ái hơn...
Khi hỏi cô mở lớp và truyền lửa đọc sách có phải từ đam mê văn chương của mình không, thì cô Linh vui vẻ bảo “Đúng, mà chưa đủ”.
“Tuổi thơ tôi sống cùng ngoại ngoài Bắc, ông bà sống rất thân thiện, chia sẻ với làng xóm, “trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh”. Cả hai bố của tôi đều là những nhà giáo mẫu mực. Bố chồng là một điển hình cho kiểu “bác sĩ không biên giới”, kết nối để giúp đỡ cho những số phận không may. Bố đẻ tôi từng là giảng viên Trường CĐ Bình Trị Thiên, cũng đưa học trò nghèo, ở xa về nhà nuôi - dạy. Mẹ tôi thì hiện sức khỏe không tốt nhưng cũng vui sống an nhiên, đi chùa, cúng dường... Và tôi còn có sự động viên khích lệ từ đồng nghiệp, học sinh và anh xã cùng hai con… Đây là những điều vô giá từ nếp nhà mà tôi đã, đang được thụ hưởng và muốn chia sẻ với học sinh của mình”.
Cô Linh còn đưa công khai thông tin về lớp lên Facebook để học sinh nào cũng biết và đến học. Vào những ngày đầu của năm học mới, trên trang Facebook cá nhân “Nụ Cười” của cô luôn có những dòng sau: "Giáo án soạn xong rồi. Tiền photo tài liệu đã có từ nguồn bán 7 quyển sách quý, âu cũng đủ cho kì 1, tới kì 2 tính tiếp. Bây giờ cần nhất lời động viên để chúng tôi có thêm niềm tin và niềm vui hồn nhiên góp đẹp cho đời. PS: - Lớp dành cho mọi học sinh THPT muốn học tốt môn văn. - Học phí 1 ngàn đồng/tuần. - Tài liệu miễn phí. - Tặng sách hay". |
Theo Lê Vũ Hạ/Vietnamnet