Trước thực trạng một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ các giải pháp của Bộ GD&ĐT nhằm khắc phục tình trạng trên trong năm học 2018-2019.
Ảnh minh họa/internet
Giải pháp thứ nhất: Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đồng thời, hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện từ năm học này; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào trong quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương quán triệt và tổ chức cho giáo viên học tập Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo trong đợt học hè và bước vào năm học mới.
Theo đó, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra;
Tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT đã rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; rà soát, hướng dẫn nội dung bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm; chỉ đạo đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.
Thứ tư, trong năm học này, Bộ GD&ĐT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; kịp thời nắm bắt các thông tin xử lý tại địa phương và tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng, tuyên truyền các tấm gương người tốt, việc tốt rộng rãi trong toàn ngành.
Theo Hiếu Nguyễn/GD&TĐ