Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông không quy định phương pháp dạy học đánh vần tiếng Việt.
Cách đánh vần trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có nhiều sự khác biệt so với chương trình hiện hành. Ảnh: Huyên Nguyễn
Theo PGS-TS Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định tài liệu TV1-CNGD, điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, thành viên Ban Phát triển Chương trình môn Tiếng Việt-Ngữ văn - cho biết: Phương pháp dạy học tiếng Việt nói chung và dạy học đánh vần nói riêng của tài liệu của TV1-CNGD phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tài liệu này đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kĩ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu TV1-CNGD.
Phương pháp dạy học đánh vần này không thuộc nội dung được quy định trong Chương trình Tiếng Việt – Ngữ văn mới (sắp được ban hành), cũng như Chương trình Tiếng Việt năm 2000 (chương trình hiện hành). Chương trình chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.
Quy định cụ thể, sau một năm học, học sinh có khả năng đọc, viết, nói và nghe đến mức độ nào. Ví dụ, chương trình Tiếng Việt – Ngữ văn mới quy định, học xong lớp 1, học sinh “đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng); đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn, tốc độ đọc: 40 – 60 tiếng trong 1 phút; biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ; bước đầu biết đọc thầm”.
Chương trình không bắt buộc học sinh phải được học theo phương pháp nào. Nói cách khác, chương trình giáo dục chỉ quy định mục tiêu cần đến. Còn con đường đi đến mục tiêu, trên thực tế, khá đa dạng và sẽ được lựa chọn bởi tác giả sách giáo khoa và giáo viên.
Sắp tới, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau. Chắc hẳn, cuốn sách giáo khoa nào giúp học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình bằng phương pháp hiệu quả nhất sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ưu tiên lựa chọn.
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh, dù dạy theo sách giáo khoa Tiếng Việt 1 hiện hành hay tài liệu TV1-CNGD cũng đều phải đạt được mục tiêu môn học đã được quy định trong chương trình.
“TV1-CNGD không phải là một chương trình riêng mà chỉ là tài liệu dạy học do GS-TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên. Phương pháp dạy học đánh vần theo tài liệu TV1-CNGD đã khiến một số người cảm thấy băn khoăn và có phần lo ngại vì đã quen với phương pháp dạy học đánh vần truyền thống. Và họ đã hiểu lầm rằng cách dạy học này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định tài liệu TV1-CNGD chia sẻ.
Theo Huyên Nguyễn/Lao động