Với cách phát âm và nhiều từ ngữ không giống với cách học trước đây, Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được áp dụng từ năm 2014 đến nay nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía phụ huynh. Năm học 2018-2019, đã có gần 50 tỉnh, thành phố với hơn 800.000 học sinh học chương trình này tạo nên 2 lứa học sinh lớp 1 có cách phát âm khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GDĐT nên có thống nhất chung cách phát âm trong toàn quốc.
Minh họa của ĐAN.
Chữ viết một đằng, đọc một nẻo
Gần đây rất nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn về việc không biết kiến thức con mình đang được học có đúng chuẩn hay không? Chị V.Giang ở Thái Nguyên có con năm nay vào lớp 1 cho biết: “Ngày đầu tiên cho con đi học ở trường tôi thấy cô giáo phổ biến sẽ dạy các chữ “c”, “k”, “q” đều đọc là /cờ/.
Thấy lạ, tôi đi hỏi một vài phụ huynh khác cũng có con vào lớp 1 thì có phụ huynh lại cho hay là con họ đang được cô giáo dạy chữ “c” đọc là /cờ/, “k” đọc là /ca/ và “q” đọc là /cu/ nên tôi vô cùng lo ngại về kiến thức mà con tôi đang được tiếp nhận. Tôi cũng không biết về nhà dạy con như thế nào bởi kiến thức này lần đầu tôi mới được nghe thấy”.
Một số khác biệt trong phát âm chương trình Công nghệ Giáo dục so với chương trình hiện hành.
Dò hỏi, chị V.Giang mới biết con mình đang được học theo kiến thức bộ sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD của GS Hồ Ngọc Đại do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành. Cách dạy phát âm của bộ sách này so với bộ sách hiện hành có nhiều khác biệt.
“Tôi khó có thể dạy con theo cách mới, cũng chưa từng nghe nói về cách thức mới này. Ví dụ ngày trước chúng ta đánh vần chữ “hạnh” là: /hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/, hoặc /a/-/nhờ/-/anh/-/hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/ thì giờ các con không được đánh vần nữa mà phải đọc là /hanh/-nặng-/hạnh/.
Không chỉ phụ huynh, một số giáo viên cũng thẳng thắn bày tỏ “nhiều từ, nhiều câu thầy cô còn khó hiểu huống gì là trò”. Theo đó không ít từ ngữ, cách nói theo địa phương miền Bắc nên nhiều người ở vùng miền khác không hiểu. Trong sách xuất hiện nhiều từ như “ghì bế bé, bồng ẵm, quả chấp, gà qué, chú ỉ, bé huơ, bé quờ” hay “khi bé đi đã khá, bà chả bế, bà để bé đi”. Cụm từ “bà chả bế”; “Bà à, bé kể, chị Chi chả ghi, chị chỉ ghì bé, kì ghê”...
Tương tự, cách đánh vần mới bỗng nhiên trở nên cực khó khi chữ “ki” phải đánh vần là “cờ-i-ki”. chữ “qua” phải đánh vần là “cờ -oa- qua” chứ không phải cách đánh vần quyền thống “quy- oa- qua”.
Một giáo viên tỉnh Bắc Giang phàn nàn: “Lớp 1 dạy các em chữ “c”, “k”, “q” đều đọc là /cờ/ nhưng lên lớp 2 nếu lại học tiếp theo chương trình cũ phải hướng dẫn lại cách đọc “c” là /cờ/, “k” là /ca/, “q” là /cu/ dẫn đến học sinh cứ nhầm lẫn lung tung rồi học trước quên sau. Cũng theo giáo viên này, bởi cách học như thế nên không ít học sinh cứ nhầm lẫn khi viết “Tổ quốc” với “Tổ cuốc”, “kiên quyết” với “ciên quyết”…
Được cho là làm mới nhưng sự mới mẻ đến lạ lẫm như nguyên âm đôi “iê”, “ia”, “yê”, “ya” cùng đánh vần là /ia/; 2 nguyên âm đôi “ươ” và “ưa” cùng đánh vần là /ươ/, 2 nguyên âm đôi “uô” và “ua” cùng đánh vần là /ua/… khiến nhiều người khó chấp nhận.
Phương pháp mới giúp học sinh hiểu đúng bản chất?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan - Trung tâm Công nghệ Giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD - cho biết: Bộ sách được xây dựng trên tinh thần giải pháp CNGD do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Chương trình này được triển khai từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được mở rộng ra các trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác.
Theo bà Loan, việc đầu tiên khi học theo CNGD là phải xác định đúng đối tượng. Đối tượng cần chiếm lĩnh trong môn Tiếng Việt lớp 1 CNGD là cấu trúc ngữ âm của tiếng. Với quan điểm “Thầy thiết kế - Trò thi công”, học sinh không phải chỉ nắm được phần ngọn, cái có sẵn, mà tự làm ra sản phẩm thông qua hoạt động học. Học sinh nắm được kiến thức qua việc thực hành phát âm, phân tích, đọc, viết.
Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do NXB Giáo dục Việt Nam giữ quyền công bố tác phẩm. Ảnh: H.N
Mục tiêu của môn Tiếng Việt lớp 1 CNGD là học sinh phải đọc thông, viết thạo; Nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, nắm vững luật chính tả. Từ đó, học sinh không thể tái mù. Học sinh được học luật chính tả rất kỹ, theo nguyên tắc gặp ở đâu sẽ giải quyết ở đó. Nhờ đó, học sinh sẽ nắm luật rất kỹ và không bị viết sai chính tả.
“Đánh vần là một cách đọc. Học sinh CNGD đánh vần theo cơ chế phân đôi: Đánh vần tiếng thanh ngang “ba”: /bờ/-/a/-/ba/; Đánh vần tiếng có thanh “bà”: /ba/-huyền- /bà/. Học sinh chỉ học tiếng có thanh khi đã đọc trơn được tiếng thanh ngang.
Như vậy, để đọc trơn được một tiếng, học sinh phải trải qua các thao tác đánh vần. Khi phân tích tiếng, học sinh phân tích bằng tay kết hợp bằng lời (nói to) nhưng khi đọc tiếng thì đọc trơn (chỉ đánh vần trong đầu, không nói to). Học sinh ngay từ những buổi học đầu đã được học cách nói theo 4 mức độ to-nhỏ-nhẩm-thầm nên đã quen với thao tác đánh vần thầm trong đầu. Khi đọc to, các em chỉ đọc trơn tiếng” - bà Loan phân tích.
Về nguyên tắc đánh vần trong CNGD là đánh vần theo âm, không phải đánh vần theo chữ.
Lấy dẫn chứng cụ thể, bà Loan chỉ rõ: Ở chương trình hiện hành, học sinh đang được đánh vần theo chữ ví dụ chữ “ke” thì đánh vần là /ca/-/e/-/ke/. Khác hẳn, trong CNGD sẽ đánh vần theo âm nên tiếng “ke” đánh vần là /cờ/-/e/-/ke/. Khi học cách phát âm này, học sinh sẽ được học luôn luật chính tả là âm “cờ” đứng trước âm “e” sẽ được ghi bằng chữ “k”.
Với phần nguyên âm đôi, tiếng Việt có 3 nguyên âm đôi là “iê”, “uô” và “ươ”. Trong đó, âm /ia/ có 4 cách viết “iê”, “ia”, “yê”, “ya”; âm /uô/ có 2 cách viết “uô” và “ua”; âm /ươ/ có 2 cách viết “ươ” và “ưa”. Ví dụ tiếng “yêu” được đánh vần là /ia/-/u/-/yêu/, vần “uôi” được đánh vần là /uô/-/i/-uôi/. Đây là cách đánh vần theo âm thay vì theo chữ ghi lại như trước kia là /y/-/ê/-/u/-/yêu/ hay /u/-/ô/-/i/-/uôi/.
“Với cách thức thay đổi như vậy, phụ huynh và giáo viên nếu chưa hiểu cơ chế và phương pháp thì sẽ có những phản ứng nhất định. Tuy nhiên, vì học sinh đã được học ngay từ đầu theo phương pháp CNGD nên sẽ không gây khó khăn cho các em” - bà Loan chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan, học theo bộ sách CNGD học sinh sẽ ít nhất đạt được mục tiêu như chương trình hiện hành và đặc biệt sẽ nắm được chính tả, kiến thức ngữ âm của tiếng và quan trọng là phát triển được tư duy của học sinh, nắm được bản chất của vấn đề nên rất khó để quên và nhầm lẫn.
Theo Nguyễn Huyên - Nguyễn Hà/Lao động