Đại úy Đỗ Đình Viên cho biết điểm thi THPT của các chiến sĩ thậm chí chưa đáp ứng kỳ vọng so với lực học hàng ngày.
Sáng 20/7, đại úy Đỗ Đình Viên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) đóng ở Lạng Sơn, cho biết đơn vị có 112 chiến sĩ tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018, tập trung tại điểm trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn.
Trước nghi vấn tổng điểm ba môn tổ hợp C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) của nhóm thí sinh này cao bất thường, đại úy Viên chia sẻ: "Dư luận giữ quan điểm từ xưa đến nay là những chiến sĩ nghĩa vụ chỉ đi sâu làm nhiệm vụ. Còn đơn vị tôi có sự quan tâm và có sự nỗ lực của thí sinh. Các chiến sĩ quyết tâm gấp 200% thí sinh phổ thông. Nếu thí sinh phổ thông học tất cả môn thì chiến sĩ trong hơn một năm chỉ học bốn môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ".
Chỉ huy Tiểu đoàn 2 thông tin, danh sách gồm 35 thí sinh được chia sẻ nhiều trên mạng chỉ là trang đầu tiên, sắp xếp theo tổng điểm từ cao nhất đến thấp nhất. Các chiến sĩ khác đạt được mức điểm thấp hơn.
Không có thí sinh nào là con quan chức
Phủ nhận thông tin thí sinh được nâng đỡ nhờ phụ huynh có chức quyền, đại úy Đỗ Đình Viên cho biết, trong đơn vị không có ai là con quan chức. Tiểu đoàn 2 là đơn vị sẵn sàng trực chiến cao, học tập và huấn luyện rất vất vả. Cơ ngơi của đơn vị cũng không đủ khang trang như ở trung tâm thành phố lớn.
Ông bác bỏ thông tin 35 chiến sĩ trong danh sách lan truyền trên mạng xã hội chỉ có học lực trung bình. Căn cứ vào hồ sơ học bạ, 9 em trong số này có học lực lớp 12 là trung bình, một em loại giỏi và còn lại là khá.
Theo quy định, chiến sĩ nghĩa vụ phải đủ 24 tháng mới được đi thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học. Tiểu đoàn 2 đã tổ chức ôn thi cho chiến sĩ từ tháng 8/2017, thành lập ba lớp học. Mỗi lớp học hai ca, 17h-19h và 19h30-21h30. Bảy thầy cô giảng dạy là giáo viên giỏi trong và ngoài tỉnh, giảng viên uy tín ở các đại học danh tiếng. Trong đó có hai người dạy Văn, ba người dạy Toán, chuyên về đại số, hình học và giải toán máy tính.
Trong quá trình học, lãnh đạo Tiểu đoàn 2 ghi nhận các chiến sĩ rất chăm chỉ, một số học đến mức sụt cân. Ban ngày các em rèn luyện, hết giờ hành chính bắt đầu có thầy cô đến dạy, đêm lại "cày". Mồng ba Tết ở lại đơn vị để trực, các em cũng tranh thủ ôn bài, ngoài ra còn học online.
Đại úy Đỗ Đình Viên trả lời báo chí tại trụ sở đơn vị. Ảnh: Thùy Linh
Tiểu đoàn 2 đã phối hợp với THPT chuyên Chu Văn An để tổ chức thi thử năm lần theo đúng quy chế của Bộ, thầy cô ở trường giao đề và chấm điểm, đơn vị chỉ gửi thí sinh ra thi. Kết quả nhà trường gửi về cho thấy lần một điểm rất thấp, những lần tiếp theo tốt dần lên và lần thứ năm rất tốt, cao hơn kỳ thi thật.
"Với bảng điểm đó, tôi còn hơi tiếc là môn Toán ảnh hưởng đến Sử rất nhiều. Riêng môn Văn lẽ ra điểm còn cao hơn. Các em đã được ôn kỹ, rà soát tất cả tác phẩm được đưa vào diện quan tâm số một, số hai", ông khẳng định.
Khi bị dư luận mổ xẻ về điểm thi, ông cho biết các chiến sĩ cảm thấy rất buồn nhưng chỉ huy động viên không bình luận, giữ văn hóa phát ngôn lành mạnh. Góc nhìn của người ngoài chưa thật kỹ lưỡng, ông Viên tin rằng đoàn thanh tra sẽ sớm đưa ra câu trả lời.
Cô giáo dạy văn không bất ngờ khi chiến sĩ đạt điểm cao
Cô Ngô Thị Hồng Minh, giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Chu Văn An, người trực tiếp ôn luyện cho các thí sinh tự do là cảnh sát cơ động Tiểu đoàn 2 cho biết, trong quá trình ôn luyện, tinh thần học tập của các em rất tốt. Đơn vị nơi các em công tác tạo điều kiện rất nhiều, hàng tuần đều có chấn chỉnh, làm công tác tư tưởng, tâm lý. Em nào chưa quyết tâm thì sẽ có sự chọn lọc ngay. Vì vậy, đa số đều chăm chỉ, tích cực học tập.
Một trong ba phòng học của các chiến sĩ cảnh sát cơ động. Ảnh: Thùy Linh
“Tôi ôn luyện cho các em bám sát tác phẩm của chương trình THPT quốc gia. Những tác phẩm trong đề thi năm nay cũng được chúng tôi ôn luyện kỹ càng và các em luyện nhiều lần dạng đề tương tự”, cô Minh cho biết.
Cô bày tỏ không bất ngờ khi biết điểm thi của thí sinh cảnh sát cơ động, trong đó có 35 em được cho là cao bất thường. Bởi so với điểm thi thử trước đó, kết quả không có nhiều thay đổi. “Năng lực của một số em có thể đạt điểm như vậy vì qua các lần thi thử, các em luôn đạt điểm khá cao”, cô Minh nói.
Từ tháng 8/2017 đến lúc thi, ngày nào các em cũng có buổi ôn luyện các môn. Riêng môn Ngữ văn vào giai đoạn nước rút được tăng thêm số buổi. “Tôi thấy đề thi khó nhưng vẫn đảm bảo giống cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục mà các em đã được ôn luyện”, cô Minh nói.
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền bảng điểm của 35 thí sinh thi THPT quốc gia 2018 tại Lạng Sơn. Theo đó, môn Lịch sử có 4 em được 9 điểm, 21 em được 8. Môn Ngữ văn có 5 thí sinh điểm 9 và 23 em được 8-8,75. Không thí sinh nào trong danh sách có tổng điểm ba môn tổ hợp C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và điểm ưu tiên dưới 24. Các thí sinh sinh năm 1994 đến 1997. Sáng 19/7, tổ công tác của Bộ Giáo dục đã đến làm việc tại Lạng Sơn, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ để xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi năm 2018. Tổ công tác gồm cán bộ Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ Giáo dục và A83 Bộ Công an. Trao đổi với báo chí sau khi rời phòng họp, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Quản lý chất lượng chỉ cho biết ngắn gọn: “Chúng tôi đang rà soát quy trình chấm thi, tổ chức thi và các quy trình khác. Các bước tiến hành cố gắng nhanh nhất để công bố đến báo chí và dư luận”. |
Theo Thùy Linh - Viết Tuân/VnExpress