Đó là câu chuyện hết sức đặc biệt của Thượng úy Trần Bình Phục - Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, thầy giáo bị ung thư máu mở lớp học 0 đồng xoá mù chữ cho trẻ em nghèo vùng biển đảo xa xôi.
Lớp học của thầy giáo Phục. Ảnh: BTC WeChoice Awards 2016
Thượng uý Trần Bình Phục là 1 trong 70 gương mặt tiêu biểu nhất cả nước được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
6 lần viết đơn xin ra đảo
Cách đất liền 35km về phía Tây, lớp học nhỏ của thầy trò thượng úy Trần Bình Phục (SN 1972) đang công tác tại Đồn biên phòng Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau nằm lặng lẽ dưới những tán cây già trên ngọn núi thuộc đảo Hòn Chuối.
Đều đặn 6h30 hằng ngày, thầy Phục một mình đi bộ từ Đồn biên phòng Hòn Chuối (trên đỉnh núi) xuống gành Chướng để đón tụi nhỏ lên lớp. Thầy trò cùng trèo vất vả leo lên 303 bậc thang để lên lớp học. Đường thì dốc lại có nhiều đoạn trơn trượt rất nguy hiểm, thế nên có lúc thầy phải cõng tụi nhỏ trên lưng.
Thầy Phục cõng học sinh đến trường. Ảnh: BTC WeChoice Awards 2016
9 năm trước, khi đang ở độ tuổi sung sức, trong một lần vào viện điều trị, bác sĩ thông báo Thượng uý Trần Bình Phục mắc bệnh ung thư máu do nhiễm phóng xạ. Nhờ tuân thủ theo liệu pháp điều trị, sau một năm các tế bào ung thư đã được ngăn chặn phát triển, anh Phục được xuất viện, nhưng cảm thấy mình không còn phù hợp với nhịp sống xô bồ nơi thành thị.
Từ đó, anh quyết định viết đơn xin ra đảo Hòn Chuối để công tác, vì trước đây đã từng có dịp ghé đảo và cảm thấy rất yêu mến nơi này. Nơi đảo xa, không đường, không điện, không nước sạch, thế nên quyết định của anh Phục bị gia đình và cơ quan ngăn cản. 5 lần nộp đơn đều bị thủ trưởng từ chối, thậm chí, có lãnh đạo còn xé đơn của anh. Không nản chí, anh viết lá đơn thứ 6 và cuối cùng cũng được chấp nhận.
Nhọc nhằn hành trình mang con chữ lên đảo
Chính bởi cuộc sống du mục, trôi nổi, thu nhập chính phụ thuộc vào công việc đánh bắt hải sản nên người lớn trên đảo phải thường xuyên đi biển, trẻ em ở nhà chẳng được ai dạy dỗ.
Thầy giáo Phục đã xin ban chỉ huy cho phép mở một lớp học tình thương dạy chữ cho lũ trẻ con trên đảo. Ban đầu, mong muốn đó của thầy giáo mang quân hàm xanh vấp phải sự ngăn cản của gia đình các cháu, bởi họ cho rằng chỉ cần biết lặn, biết đi biển là có thể sống.
Thượng uý Trần Bình Phục (giữa) chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Ảnh: HN
Nhiều lần thầy Phục bị người dân xua đuổi, nặng lời, nhưng anh vẫn kiên nhẫn, miệt mài thuyết phục. Người lớn gật đầu rồi, anh lại quay sang thuyết phục tụi nhỏ bởi việc phải đi học thì chẳng khác nào cực hình với chúng.
Lớp học ban đầu chỉ có 5 em nhỏ theo học với đủ các lứa tuổi. Cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, trò phải ngồi học trên những chiếc bàn ghế nhựa cũ mèm. Lớp học được dựng tạm bằng mấy thang gỗ và vài miếng tôn cũ. Ngày nắng thì nóng như đổ lửa, ngày mưa thầy trò phải dắt nhau chạy như chuột chạy đồng vì mưa dột.
Khó khăn là thế nhưng thầy trò vẫn cùng nhau vượt qua. “Nhiều người hỏi có từng ý nghĩ từ bỏ việc dạy học không. Có chứ, tôi từng nghĩ bỏ nhiều lần chứ không phải 1 lần nhưng mỗi khi nhìn tới các em, thấy đôi mắt của các em lại là động lực để tôi tiếp tục”, anh Phục nói.
Hiện tại, 100% các em trong độ tuổi đến trường đều được đi học, biết đọc, biết viết, biết được những kiến thức căn bản của chương trình giáo dục hiện hành. Có những em đã được đưa vào đất liền để tiếp tục học tập. Đến nay đã có 4 em đã tốt nghiệp đại học ra trường và có việc làm ổn định.
Trước câu hỏi nếu được phân công nhiệm vụ đi nơi khác, cảm giác của anh như thế nào, Thượng uý Trần Bình Phục chia sẻ: “Bản thân là lính thì nhiệm vụ bao giờ cũng đặt trên hết. Nếu được phân công, tôi sẽ chấp hành nhiệm vụ thôi nhưng thực sự rất muốn gắn bó với Hòn Chuối lâu dài hơn, gắn bó, đồng hành cùng trẻ nhỏ để cùng các em, giúp các em vươn dài hơn trên con đường trí thức”.
Theo Huyên Nguyễn/Báo Lao động