Một tiếng sau khi bắt đầu thời gian làm bài môn Văn vào lớp 10 công lập ở Hà Nội, đề thi đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Trưa 7/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gấp gáp tổ chức họp báo về buổi thi môn Ngữ văn lớp 10 THPT năm học 2018-2019. Trước đó từ khoảng 9h, sau thời gian tính giờ làm bài 60 phút, mạng xã hội lan truyền bản chụp tờ đề thi môn Ngữ văn. So với đề chính thức, bản lan truyền trên mạng trùng khớp.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang (bên trái) thông tin về việc lọt đề thi Ngữ văn. Ảnh: Đoàn Loan.
"Ngay sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã phối hợp với Công an thành phố xác minh. Đây là hiện tượng lọt đề thi, việc này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh", Phó giám đốc Sở Lê Ngọc Quang nói.
Theo quy chế, thí sinh chỉ được mang đề ra ngoài khi hết 120 phút làm bài thi. Trường hợp ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài, thí sinh phải nộp lại nháp và đề thi. Cả thí sinh và giám thị không được mang điện thoại vào phòng thi. Hiện công an chưa xác định được điểm thi nào để lọt đề ra ngoài.
Nhằm tránh tái diễn việc lọt đề trong buổi thi Toán chiều nay, Sở Giáo dục đã gửi tin nhắn đến 185 hội đồng thi nhắc nhở việc sử dụng thiết bị điện thoại và yêu cầu tăng cường công tác an ninh trong những buổi tiếp theo.
Báo cáo nhanh từ các điểm thi, sáng 7/6 có 354 thí sinh và một cán bộ coi thi vắng mặt. Hai thí sinh vi phạm quy chế, một em mang điện thoại, một mang tài liệu vào phòng thi. Theo quy chế, các em này đều bị đình chỉ, ra khỏi phòng thi ngay khi bị phát hiện vi phạm và không được tiếp tục thi môn còn lại. Hai thí sinh cũng không được xét tốt nghiệp THCS.
Trong buổi thi Ngữ văn sáng 7/6, báo chí phản ánh việc người lạ ra vào điểm thi THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) khi không có an ninh theo sát. Phó giám đốc Lê Ngọc Quang giải thích, lúc đó chưa đến thời điểm được bóc đề và giao đề cho thí sinh (7h55). Tuy nhiên, đây cũng là việc sai quy định nên Chủ tịch hội đồng thi này sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Năm học 2018-2019, Hà Nội có gần 94.500 học sinh dự thi vào lớp 10 công lập, cao nhất từ trước đến nay. Do lứa thí sinh "dê vàng" 2003 tăng đột biến (hơn 18.700 em so với năm trước), thành phố phải bố trí 185 điểm thi, hơn 3.970 phòng thi và huy động 10.030 giáo viên cả THPT, THCS làm công tác trông thi.
Với 63.050 chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập, khoảng 31.900 em sẽ phải vào THPT tư thục có chi phí đắt đỏ, hoặc học trường nghề, giáo dục thường xuyên.
Theo Quỳnh Trang - Đoàn Loan/VnExpess