11
/
61918
Tháo gỡ nút thắt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học
thao-go-nut-that-trong-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dai-hoc
news

Tháo gỡ nút thắt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học

Thứ 4, 06/06/2018 | 12:36:36
505 lượt xem

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã được trình để lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV lần này, kỳ vọng sẽ tạo nên hệ thống chính sách, hành lang pháp lý tốt, cởi mở, thuận lợi và thông thoáng cho giáo dục đại học phát triển.

Nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học-cao đẳng. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngoài ra, những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung bốn nhóm chính sách trụ cột

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Luật Giáo dục Đại học ban hành năm 2012 là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về giáo dục đại học, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế.

Sau năm năm thực hiện, Luật Giáo dục Đại học 2012 đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, tạo môi trường pháp lý cho người học và các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo trình độ cao, khẳng định vị thế của giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Luật Giáo dục Đại học đã đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, đồng thời quy định tương đối rõ nét về công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Giáo dục Đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động giáo dục đại học. Một số hạn chế cơ bản của Luật Giáo dục Đại học 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Chính vì vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học là cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung 31/73 điều, tập trung vào bốn nhóm chính sách trụ cột lớn gồm chính sách mở rộng phạm vi và nâng cao tự chủ giáo dục đại học; chính sách đổi mới quản trị đại học; chính sách đổi mới quản lý đào tạo; chính sách đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.

Trong đó, tự chủ đại học là yếu tố bao trùm để hướng tới đạt được chất lượng và hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi này sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở giáo dục phát huy nội lực, sáng tạo. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 32 về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tới tự chủ đại học ở tám điều khác nhằm đổi mới quản lý nhà nước. Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về tự chủ trong hoạt động chuyên môn; tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; tự chủ tài chính, tài sản.

Về đổi mới quản trị đại học, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung bảy điều nhằm đổi mới công tác quản trị đại học theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Về đổi mới quản lý đào tạo, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung sáu điều nhằm đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế. Ở phần này cũng xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế và các chuẩn cho giáo dục đại học như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở giáo dục đại học... làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế.

[Đại biểu Quốc hội đồng ý cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục]

Về đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 18 điều tập trung vào quản lý hệ thống. Trong đó có phân biệt các loại cơ sở trong hệ thống giáo dục đại học; phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ngoài ra, ở phần này dự thảo cũng đề cập đến quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học; quy định các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo; quy định về tiêu chuẩn và quy trình tổ chức kiểm định chất lượng; sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật Giá, Luật Phí và Lệ phí...

Mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường

Đánh giá về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, dự thảo có ba ưu điểm: Thứ nhất, đã phát huy được những điểm mạnh, những ưu điểm của Luật hiện hành, đồng thời khắc phục được những hạn chế bất cập cơ bản, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt chủ yếu trong giáo dục đại học, tạo tác động tích cực với sự phát triển giáo dục đại học trong tương lai. Trong quá trình rà soát, sửa đổi Luật, Ban soạn thảo đã học hỏi kinh nghiệm các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới nên dự thảo có nhiều quy định tiến bộ, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, dự thảo đã thể chế hoá được chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, thể hiện ở những điều khoản rất cụ thể. Thứ ba, dự thảo đã rà soát những điều mâu thuẫn, chưa đồng bộ giữa Luật Giáo dục Đại học hiện hành với hệ thống các văn bản pháp luật khác ra đời sau thời điểm Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực. Ví dụ như dự thảo đã cập nhật những quy định trong Luật Giá, Luật Phí và lệ phí, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công… để có sự chỉnh sửa phù hợp.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Hiển, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bao quát hết được các vấn đề quan trọng của giáo dục đại học mà dư luận, trước hết là các trường đại học rất quan tâm. Một số điều đã được ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung, tuy ở các mức độ khác nhau nhưng đều là cần thiết. Cụ thể, dự thảo Luật mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học, gắn quyền tự chủ với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đào tạo; đổi mới quản trị Đại học, trong đó nhấn mạnh và quy định rõ hơn về Hội đồng trường (đối với các trường công lập) và Hội đồng quản trị (với trường ngoài công lập). Dự thảo Luật cũng đưa ra một số quy định mới về mở ngành, tuyển sinh, quản lý đào tạo… phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế; đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong điều kiện tự chủ đại học, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Hiển nhận định một số quy định trong dự thảo vẫn còn khá dè dặt và chưa cụ thể. Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Hiển cho rằng nên mạnh dạn hơn trong việc giao quyền chủ động cho các nhà trường, cơ sở giáo dục trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ giảng viên (kể cả quyền công nhận và bổ nhiệm, giáo sư, phó giáo sư), quyền tài chính tài sản; đồng thời cũng nên quy định cụ thể ngay trong Luật về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học: Giải trình cái gì, với ai và hình thức giải trình như thế nào? Trong dự thảo Luật mới chỉ nêu các nội dung cơ sở giáo dục đại học cần giải trình còn các vấn đề khác thì lại giao cho Chính phủ quy định, như vậy là không hợp lý, có phần chưa cân đối giữa quyền và trách nhiệm.

Phó Giáo sư-tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng thành công lớn nhất của dự thảo Luật Giáo dục Đại học lần này là thay đổi một cách căn bản về quản lý nhà nước giáo dục đại học và quản trị đại học. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học ban hành các quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn... và giám sát các trường trong việc chấp hành các quy định đó cũng như thực hiện các cam kết đã công bố với xã hội. Công việc quản lý nhà nước không can thiệp vào công việc quản trị cụ thể của từng cơ sở giáo dục và đào tạo. Toàn bộ các công việc quản trị cơ sở giáo dục đại học do các trường tự thực hiện. Điều này sẽ tháo gỡ “nút thắt” kìm hãm sự phát triển của các trường trong Luật Giáo dục Đại học hiện hành.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Văn Cường, khi trường được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì đồng thời phải tăng trách nhiệm giải trình với xã hội, công bố công khai các cam kết với xã hội và người học. Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các quy định, cam kết của cơ sở giáo dục đại học. Người học, cộng đồng cựu học viên, các đơn vị sử dụng lao động và xã hội cùng giám sát. Tạo lập được cơ chế đó là một bước tiến đột phá của Luật Giáo dục Đại học./. 

Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

  • Từ khóa

Trung tâm GDTX - GDNN: Nặng dạy chữ, nhẹ dạy nghề

Trên thực tế, nhiều trung tâm GDNN - GDTX chỉ thực hiện nhiệm vụ về GDTX và liên kết dạy nghề, không phát huy được chức năng trong hoạt động GDNN...
15:40 - 23/12/2024
189 lượt xem

Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên

Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
15:18 - 23/12/2024
209 lượt xem

Gian nan hành trình 'gieo chữ trên mây'

Bám trường lớp ở những nóc heo hút nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giữa thiếu thốn bủa vây, các giáo viên trẻ vẫn vui vẻ chấp nhận. Bởi, họ lên đây không...
10:37 - 23/12/2024
315 lượt xem

Điều chỉnh ma trận đề kiểm tra định kỳ với học sinh THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 22-12 cho biết vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT, hướng dẫn việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS,...
09:31 - 23/12/2024
346 lượt xem

Mở rộng miễn, giảm học phí

Cả nước hiện có 10 tỉnh, thành thực hiện miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông.
08:08 - 23/12/2024
383 lượt xem