Sáng nay ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội với nhiều nhóm vấn đề nóng được dư luận đang quan tâm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Theo đó, nhóm vấn đề các ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Đối với giáo dục phổ thông, hiện nay chất lượng giáo dục học sinh mới chỉ được quan tâm hơn ở kết quả tiếp thu kiến thức, kỹ năng mà chưa chú trọng đến kết quả việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; việc xây dựng môi trường giáo dục dân chủ trong một số cơ sở giáo dục chưa được chú trọng; cá biệt có một số giáo viên, học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa gây mất niềm tin của cha mẹ học sinh, bức xúc trong xã hội.
Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học, vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200 ngàn lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.
Kỹ năng sống cho sinh viên chưa thực sự được chú trọng; còn quản lý, áp đặt học sinh theo phương pháp “quyền uy”, chú trọng dạy văn hóa mà xem nhẹ việc dạy người.
Tình trạng bạo hành trẻ chủ yếu trường ngoài công lập làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ và gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước đó, nhiều cử tri mong muốn Bộ GD&ĐT có những kế hoạch cụ thể về phương hướng phát triển và đổi mới chất lượng giáo dục. Chú trọng hơn đến kết quả việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, việc xây dựng môi trường giáo dục dân chủ trong các cơ sở giáo dục.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu tư duy nhiệm kỳ có phải là rào cản cho việc thúc đẩy cho sự phát triển ổn định của nền giáo dục Việt Nam hiện nay? Dường như mỗi nhiệm kỳ Bộ trưởng, học sinh và thầy cô lại trở thành “chuột bạch” cho những chủ trương mà "tư duy nhiệm kỳ" mang lại khiến có người nảy sinh hoài nghi: liệu giáo dục của chúng ta có đang lạc lối?
Bạo lực học đường, sự xuống cấp đạo đức học đường là những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây. Chúng ta đã thực sự xây dựng trường học dân chủ?
Lương giáo viên hiện nay thấp hơn lương osin (giáo viên mới vào nghề, nếu tốt nghiệp ĐH lương hơn 2 triệu đồng/tháng, lương osin tại Hà Nội 5 triệu đồng/tháng). Vậy phải làm thế nào để giáo viên có thể yên tâm cống hiến với mức thu nhập này?
Hiện nay chuẩn đầu vào các trường sư phạm phải cao, bỏ miễn học phí chuyển sang vay tín dụng sư phạm, giáo viên phải đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục. Trong khi đó, đầu ra không có, đời sống không đảm bảo. Liệu chúng ta có đang đòi hỏi quá nhiều ở giáo viên trong khi đó, chưa có chính sách nào để đảm bảo quyền lợi cho họ?
40% giáo viên tiểu học, THCS chưa đạt chuẩn (con số này được Bộ GD&ĐT công bố) vậy những sửa đổi của Luật Giáo dục đã đủ thiết chế để "ép" giáo viên đạt chuẩn, nâng chuẩn hay chưa?
Với đề án đào tạo tiến sĩ, nhiều người cũng đặt câu hỏi Bộ GD&ĐT đã có đánh giá cụ thể về hiệu quả và chất lượng của đề án này? Chi phí ngân sách đã chi bao nhiêu, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp về nước là bao nhiêu? Và liệu họ có được làm đúng vị trí và chuyên môn của mình được đào tạo, có thật sự hiệu quả như mong đợi?
Theo Châu Anh/Tiền phong