Việc các phụ huynh tự ý đăng bảng điểm, vào facebook của con mà không biết rằng đã vi phạm bí mật đời sống riêng tư của trẻ trên mạng xã hội. Việc đăng tải thông tin thiếu cân nhắc có thể mang đến nhiều hệ lụy.
Điều này được bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chia sẻ tại buổi ra mắt chương trình “Think Before You Share” – (Suy nghĩ trước khi chia sẻ) do Facebook và Viên Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững tổ chức ngày 5/6.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Ảnh: Thanh Hùng
Bà Nga nêu thực tế, vẫn còn một số phụ huynh đăng bảng điểm chung của lớp con theo học lên dù khẳng định việc này đã giảm rất nhiều.
“Năm học 2017-2018 so với các năm học trước có thể đánh giá việc đăng tải những bảng điểm lên mạng xã hội Facebook đã giảm rất nhiều. Chưa có một thống kê đầy đủ từ các Sở GD-ĐT nhưng hiện rất nhiều tỉnh/thành phố đã có quy định các trường lớp không tổng hợp các bảng điểm chung của học sinh trong lớp. Bởi trong một lớp nhiều học sinh thì có những em học giỏi, em lại học khá và cả những em học chưa tốt. Việc phụ huynh về vô tình khoe con mình nằm trong top đầu của bảng điểm có thể ảnh hưởng đến các bạn/gia đình còn lại”.
Bà Nga khẳng định việc làm đó là vi phạm bí mật đời sống riêng tư của trẻ, không chỉ với con mình mà có thể cả với những đứa trẻ khác, bởi “phụ huynh có thể vui mừng với kết quả của con nhưng còn những bạn khác… Theo quy định của luật pháp, người đăng lên tức là đã vi phạm”.
Ngoài ra, theo bà Nga, cũng không ít các bậc phụ huynh vẫn rất tò mò xem điện thoại và vào facebook của con. “Việc này cũng vi phạm bí mật đời sống riêng tư của các em. Các cha mẹ cần hiểu không nên làm như vậy mà phải làm sao để không phải xem lén lút mà con coi mình như là những người bạn và có thể chia sẻ sau những giờ học hay những hoạt động của cuộc sống”, bà Nga nói.
Dó đó, chính các cha mẹ cũng cần thêm những kỹ năng khi chia sẻ các thông tin lên mạng xã hội.
“Chúng tôi xác định việc đảm bảo quyền trẻ em, trong đó có đảm bảo quyền trẻ em trong môi trường mạng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình, cha mẹ trước khi nói đến trách nhiệm của nhà nước, nhà trường”.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững thì cho rằng, việc chia sẻ những hình ảnh và vấn đề riêng tư của con lên mạng hay khoe con là tâm lý rất phổ biến của phụ huynh. “Thực tế việc đăng tải những hình ảnh, thông tin cá nhân hay bảng điểm của con trên mạng vẫn còn phổ biến. Các phụ huynh cần suy nghĩ trước rằng liệu việc làm của mình có ảnh hưởng đến tâm lý của chính con mình hay không, con có muốn khoe ra những điều đó hay không?”
Bà Linh cho rằng, những việc làm tưởng chừng như vô tình đó vô hình trung có thể trở thành một áp lực với chính các con. Thậm chí cả thông tin tích cực bởi “nếu lần sau không được thành tích như vậy thì sẽ như thế nào? Chưa kể, việc đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý của các học sinh khác, những bố mẹ khác nữa”.
Theo bà Linh, nhu cầu chia sẻ cũng là bình thường nhưng phụ huynh cần cân nhắc rằng chúng ta chia sẻ điều đó với ai, ở mức độ nào. Nếu như việc chia sẻ trong phạm vi gia đình, nhóm riêng thì vừa đảm bảo nhu cầu chia sẻ vừa đảm bảo thông tin của con một cách tốt hơn.
“Không phải chỉ các con mà chính các phụ huynh cũng cần suy nghĩ trước khi chia sẻ. Bố mẹ cần nhận thức, lường trước được những rủi ro có thể đến với con mình hay ảnh hưởng tới cả người khác. Để từ đó đưa ra những quyết định chia sẻ chính xác. Do đó cần suy nghĩ trước khi chia sẻ kể cả khi bực mình hay hào hứng quá. Hãy dừng lại một chút, cân nhắc trước khi đưa một điều gì đó lên mạng, bởi chúng ta khó có thể biết những thông tin sẽ đi đến đâu và sẽ được xử lý như thế nào”.
Đây cũng là một trong số những nội dung liên quan đến chương trình giáo dục an toàn trên mạng - Think Before You Share. Thông qua chuỗi các hội thảo, các buổi đào tạo và nguồn tài liệu trực tuyến, chương trình sẽ cung cấp cho thanh thiếu niên Việt Nam các bộ công cụ và hướng dẫn về việc chia sẻ thông tin một cách an toàn và có trách nhiệm trên mạng xã hội.
Chương trình sẽ được thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam với mục tiêu đào tạo khoảng 30.000 thanh thiếu niên từ 13 đến 25 tuổi, 1.500 giáo viên, 100 tổ chức phi chính phủ và hơn 40 thanh niên trở thành các giảng viên nguồn. Chương trình cũng đặt mục tiêu chia sẻ trực tuyến cho hơn 250.000 bạn trẻ Việt Nam.
Theo Thanh Hùng/Vietnamnet