Hiện giờ là thời điểm các trường vừa tổng kết cuối năm. Nhiều phụ huynh thắc mắc bởi mỗi cháu nhận giấy khen một kiểu. Trước câu hỏi “Sở GD&ĐT Hà Nội nên có quy định thống nhất về việc ghi giấy khen?”, bà Hoàng Thị Minh Hương - phó trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Việc khen thưởng đối với học sinh tiểu học đã có quy định cụ thể.
Theo bà Hương tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội chiều 29/5, việc khen thưởng đối với học sinh tiểu học trước đây căn cứ vào Thông tư 30, do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 28/8/2014.
Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
Sau khi dư luận phản ánh nhiều vấn đề bất cập của Thông tư 30, việc khen thưởng học sinh tiểu học hiện nay theo quy định tại điều 16, Thông tư 22 ngày 22/9/2016, đề cập rất rõ các trường hợp khen thưởng cho học sinh cuối năm học.
Cụ thể, đối tượng được khen thưởng là học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, kết quả đánh giá môn học. Tiêu chí để được khen thưởng cũng rất rõ ràng như phẩm chất, năng lực phải được đánh giá tốt, các bài kiểm tra cuối năm được đánh giá từ 9 điểm trở lên. Học sinh có thành tích vượt trội hoặc tiến bộ vượt bậc ít nhất về một môn học hoặc một phẩm chất nào đó.
Trường tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) đã phải thu hồi và viết giấy khen mới gửi đến từng học sinh vì dư luận phản ánh về tấm giấy khen “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”.
Ngoài ra, trường cũng có khen thưởng cho những em có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét và đề nghị cấp trên khen thưởng.
Theo đại diện Sở GD&ĐT, khi ban hành Thông tư 30, việc “lạm phát” giấy khen không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn có ở nhiều tỉnh, thành khác.
Đến năm 2016, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 quy định cụ thể hơn, rõ hơn đối với việc khen thưởng học sinh. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thành lập đoàn kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện Thông tư 22, Thông tư 30 đối với việc đánh giá học sinh tiểu học.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT trong năm học trước, các trường tiểu học đã thực hiện nghiêm túc quy định về đánh giá học sinh theo Thông tư 22.
Việc đánh giá học sinh tiểu tạo được sự đồng thuận trong xã hội; giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên để giáo viên dành nhiều thời gian nghiên cứu bài dạy, thực hiện đổi mới phương pháp và quan tâm đến từng đối tượng học sinh, giúp cho việc tổ chức dạy học nhẹ nhàng, thiết thực, hiệu quả hơn.
Giấy khen vượt trội 7 môn ở Ninh Bình gây xôn xao dư luận trong năm học trước.
Tuy nhiên, việc khen thưởng học sinh cuối năm ở một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng với quy định của Thông tư. Vẫn còn xảy ra tình trạng khen tràn lan, khen không đúng đối tượng hoặc không đúng nội dung khen; có nơi còn làm “biến tướng” Giấy khen dẫn đến những phản ứng không đáng có của học sinh, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.
Tình trạng “làm đẹp bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp”, “làm đẹp học bạ của học sinh” vẫn còn diễn ra ở một số cơ sở giáo dục.
Tại Hà Nội, những năm trước, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 cũng nhận được giấy khen ghi "Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt", và không hiểu con mình được khen gì. Một số người khác thông tin con họ nhận được giấy khen "Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập các môn học, Ứng xử thân thiện - Biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè", khá rườm rà, rắc rối.
Đặc biệt năm 2016, Trường tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) đã phải thu hồi và viết giấy khen mới gửi đến từng học sinh vì dư luận phản ánh về tấm giấy khen “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”.
Bà Hoàng Thị Minh Hương nhận xét: “Năm ngoái và năm nay, nhìn chung, việc thực hiện Thông tư 22 và Thông tư 30 ở thủ đô được thực hiện khá tốt, đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ và của Sở”.
Theo Mỹ Hà/Dân trí