Theo Huyền Chip, nhiều người coi làm người lớn là điều mặc định – họ trở thành người lớn khi có cơ thể trưởng thành, biết làm người lớn hay trở thành bố mẹ trẻ em, trong khi thái độ và trách nhiệm của họ vẫn chưa vượt qua ngưỡng trẻ vị thành niên. Hệ quả của việc này được cô ví là hiện tượng “trẻ em cao tuổi”.
Nữ diễn giả Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip - váy đen) trong buổi giao lưu.
Hành trình trở thành người lớn
Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền, tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Stanford, Mỹ) chia sẻ về đam mê, về ước mơ, về nỗi sợ của tuổi trẻ, về cuộc hành trình qua nhiều nước và bài học, kỹ năng cô học được trong suốt quá trình trưởng thành, tìm kiếm con đường của riêng mình trong buổi giao lưu tối 25/5 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Các nhà tâm lí học tranh luận về độ tuổi nào mang tính bước ngoặt trong hành trình trở thành người lớn. Với tôi, tuổi 22 luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt.
Tuổi 22 là lứa tuổi mà tôi nhìn thấy rõ rệt nhất sự thay đổi trong cách sống của bạn bè mình từ việc là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường đến việc trở thành người kiếm tiền”, Huyền Chip nói.
Cách đây khoảng 6 năm, tác giả cuốn “Xách ba lô lên và đi” gây tranh cãi đặt ra khá nhiều mục tiêu bản thân cần đạt được trước năm 25 tuổi. Sau đó, cô nhận ra rằng rất nhiều điều mình mong muốn đạt được hồi bé chỉ là mơ ước viển vông.
Bạn bè cô bên Mĩ hầu hết đều trong độ tuổi nửa đầu 20, nên một trong những điều cô hay nghe bạn bè than thở nhiều nhất là “I don’t know how to adult” (tạm dịch: Tôi không biết phải làm người lớn thế nào).
Khi về Việt Nam, Huyền Chip thấy ít sự nỗ lực này trong bạn bè đồng trang lứa. Quá trình trở thành người lớn ít được mọi người chú trọng, dẫn đến việc các bạn trẻ không nhận ra được mình trở thành người lớn từ khi nào và phải chịu trách nhiệm ra sao về cuộc đời mình.
Nhiều người coi làm người lớn là điều mặc định – họ trở thành người lớn khi có cơ thể trưởng thành, biết làm người lớn hay trở thành bố mẹ trẻ em, trong khi thái độ và trách nhiệm của họ vẫn chưa vượt qua ngưỡng trẻ vị thành niên. Hệ quả của việc này theo Huyền Chip thấy là hiện tượng “trẻ em cao tuổi” khá phổ biến.
Huyền Chip chia sẻ: “Trở thành người lớn là một quá trình chứ không phải sự thay đổi một sớm một chiều. Những người tôi gặp ý thức được rằng trở thành người lớn cần sự trưởng thành về ý thức và trách nhiệm và họ nỗ lực để đạt được sự trưởng thành đó”.
Khánh Huyền đưa ra ba điều theo nghiên cứu của tiến sĩ tâm lí học Jeffrey Jensen Arnett tại Đại học Clark để một người trở thành người lớn: chịu trách nhiệm cho bản thân, đưa ra những quyết định độc lập và độc lập về mặt tài chính.
Nhận thức đúng về học
Huyền Chip gần gũi tương tác với từng khán giả muốn giao lưu trực tiếp với cô
Khán giả trẻ đặt nhiều câu hỏi cho cựu sinh viên Việt tại Đại học Stanford như: “Tại sao phải học đại học và làm thế nào để tận dụng tối đa quãng thời gian đại học?”, “Thích nhiều thứ và học song ngành được không?”, “Có điều gì khiến Huyền Chip chán nản khi học tại Đại học Stanford?”, “Rào cản lớn nhất của việc học là gì?”,…
Một số câu hỏi khán giả thắc mắc cũng chính là những câu hỏi Huyền Chip đã từng trăn trở suy nghĩ quyết định.
Huyền Chip cho biết, cô có cơ hội gặp gỡ một người mà bản thân quan tâm đã lâu là Francois Chollet – tác giả của Keras, một thư viện mã nguồn mở cho học máy phổ biến thứ hai hiện tại, chỉ sau TensorFlow của Google. Trong buổi nói chuyện hồi đó, cô đã hỏi anh ấy một số câu hỏi như người tham dự đã hỏi cô hôm nay.
Theo cô và Francois, rào cản lớn nhất của việc học hiện nay không phải là học phí, giáo viên hay giáo trình, mà là người học có muốn hay không. Kiến thức đầy rẫy trên mạng. Nếu muốn học về chủ đề gì thì chỉ cần dùng Google tìm kiếm sẽ ra nhiều tài liệu. Người muốn học sẽ tìm được cách để học. Mấu chốt để khuyến khích người học là người học hiểu được mục tiêu của việc học.
Sinh ra trong một gia đình cha mẹ tôn trọng quyền tự quyết của con cái, Huyền Chip lại sống trách nhiệm và kỉ luật hơn với bản thân mình. Khi học tập, tham gia các dự án, cô tự đặt ra mục tiêu cho bản thân và ép mình thực hiện các nguyên tắc để hoàn thành mục tiêu đó.
Sau bốn năm học ở Mĩ, tác giả cuốn sách “Giấc mơ Mĩ – Đường đến Stanford” chia sẻ rằng dù yêu thích Stanford từ lâu nhưng quyết định du học xuất hiện khi hai tập “Xách ba lô lên và đi” có những ồn ào.
Cô đã từng trải qua cảm giác chán nản học bởi áp lực vì ở Stanford nhiều người giỏi buộc Huyền nỗ lực nhiều hơn. Phong cách dạy ở Mĩ có nhiều điểm khác biệt với phong cách dạy ở Việt Nam như: thầy cô cảnh báo mình mắc lỗi, khuyến khích tính tương tác,…
“Khi mệt mỏi và chán nản, tôi chấp nhận cảm xúc bản thân hiện có. Tôi thường tự vấn bản thân và dừng lại những việc mình đang làm. Viết là cách giải tỏa tâm lí rất tốt với tôi”, Huyền Chip cho biết.
Niềm tin trên mỗi chặng đường
Niềm tin với bản thân là động lực thúc đẩy để Huyền Chip vượt qua ý kiến dư luận trái chiều về mình.
Huyền Chip trải lòng: “Đi tìm con đường của chính mình thật khó khi bản thân chưa biết con đường đó là gì. Nhiều người khen tôi dũng cảm, dám vượt qua định kiến xã hội. Nhưng tại thời điểm tôi đưa ra quyết định không tuân theo những quy tắc, hầu hết mọi người lại kêu tôi dại dột và ra sức ngăn cản”.
Với việc nhiều bạn trẻ đọc thông điệp “Xách ba lô lên và đi. Cuộc sống là để trải nghiệm” lại hiểu tự lập là thoát li và không hiểu sau chuyến đi như thế, người thân ở nhà rất lo lắng cho mình, cô gái làm việc tại Netflix kết luận: “Có nhiều người hiểu cứ đi là trải nghiệm. Trải nghiệm là trải nghiệm về mặt địa lí, làm thế nào để xa gia đình không hẳn là điều tôi muốn truyền tải qua những cuốn sách, qua các chuyến đi.
Trải nghiệm không nhất thiết là chỉ di chuyển về mặt địa lí. Mà đó là chúng ta thoát khỏi vùng an toàn của bản thân, các thói quen và tự đặt ra cho mình mục tiêu mới, lối đi mới. Có rất nhiều cách khác trải nghiệm. Con người cảm nhận cuộc sống thông qua những thay đổi”.
Huyền Chip, tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh năm 1990. Sinh ra và lớn lên ở Hải Hậu, Nam Định. Năm 2012, cô ra mắt hai tập sách “Xách ba lô lên và đi”. Năm 2014, Huyền Chip lên đường theo học Đại học Stanford theo diện học bổng toàn phần, hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt. Năm 2016, cô là tác giả cuốn sách “Giấc mơ Mĩ – Đường đến Stanford”. Hiện tại, cô vừa hoàn thành chương trình đại học và thạc sĩ, chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học Stanford (Mĩ). |
Theo Hồng Vân/ Dân Trí