Sở GD-ĐT nói các giáo viên này thuộc diện dôi dư khi các địa phương tự ý tuyển ngoài định mức, khiến mỗi năm tỉnh tốn thêm 15 tỉ đồng.
Giờ học tại một điểm trường lẻ trên địa bàn huyện Cái Nước, Cà Mau - Ảnh: TRẦN PHÚC
Ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Cà Mau đang xôn xao khi chủ tịch UBND tỉnh này ra quyết định chấm dứt hợp đồng với 264 giáo viên.
Nguồn tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh, đã ký ban hành quyết định kể từ ngày 1-7 sẽ chấm dứt hợp đồng với 264 giáo viên đang dạy hợp đồng ở các địa phương trong tỉnh.
Đây là số giáo viên do các địa phương tự ý hợp đồng trong năm học 2016-2017 và 2017-2018 mà chưa có sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh.
Dư giáo viên do các trường... xé lớp
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, quyết định trên của chủ tịch UBND tỉnh xuất phát từ thực tế lãnh đạo các trường ở nhiều địa phương đã "chia nhỏ" số học sinh để làm tăng số lớp học.
Việc "xé lớp" này dẫn đến số giáo viên không đủ đứng lớp (vốn nhiều hơn nhu cầu thực tế - PV), nên phải tổ chức cho giáo viên dạy tăng giờ, hợp đồng thuê thêm giáo viên. Từ đó, quỹ lương của giáo viên đã đội lên rất cao, ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư cho mua sắm, sửa chữa trường lớp, chỉ đủ tập trung để trả lương cho giáo viên hợp đồng và thù lao tăng giờ đứng lớp.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã cho rà soát, sắp xếp lại trường, lớp. Ngành giáo dục tỉnh Cà Mau cũng quy định sĩ số bình quân cho mỗi lớp.
Theo đó, khối tiểu học là 33 học sinh/lớp, khối THCS và THPT là 42 học sinh/lớp. Từ đó xác định lại số lớp của từng trường để làm cơ sở xác định số biên chế. Qua tính toán, toàn tỉnh thừa trên 2.000 giáo viên các cấp (gồm cả giáo viên hợp đồng).
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết thực trạng trên đã diễn ra nhiều năm, gây áp lực rất lớn lên ngân sách dành cho giáo dục địa phương. Có thời điểm, tỉnh nợ tiền lương và chế độ giáo viên lên trên 126 tỉ đồng. Mỗi năm bình quân phải chi trên 15 tỉ đồng để trả tiền cho giáo viên hợp đồng ngoài định mức.
Thừa mà thiếu
Mặc dù thừa hàng ngàn giáo viên, tuy nhiên, báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết thực tế thì địa phương lại đang rất... thiếu giáo viên, chủ yếu thiếu giáo viên dạy các môn năng khiếu, ngoại ngữ. Vì vậy mà nhiều trường đã phải thuê giáo viên "mùa vụ" phục vụ cho các môn học này.
Nhiều năm qua, cô giáo Trần Như Ý (giáo viên Trường THCS Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) được nhà trường hợp đồng dạy tiếng Anh. Tuy nhiên, cứ đến hè thì bị cắt hợp đồng. Đến khi vào năm học mới thì cô được mời hợp đồng trở lại.
Nghịch lý "thừa nhưng thiếu" này diễn ra thời gian dài ở Cà Mau bởi giáo viên mà ngành giáo dục cần thì không được vào biên chế, ngược lại người trong biên chế của ngành thì lại quá dư thừa.
Trước áp lực buộc phải tinh giản, nhiều địa phương, trường học đã chuyển giáo viên làm những công việc khác không đúng chuyên môn, như nhân viên văn phòng, thư viện...
Một giáo viên ngữ văn gắn bó với điểm trường ở huyện Cái Nước trên 10 năm nay cho biết mới vừa được điều chuyển sang làm công tác thư viện, trong khi không được tập huấn về chuyên môn thư viện, thu nhập theo công việc cũng giảm hơn so với lúc còn giảng dạy, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết tới đây số giáo viên dôi dư sẽ được tỉnh đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, chuyển giáo viên tiểu học, THCS thừa xuống dạy ở bậc mầm non.
Ngay thời điểm này, tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT và các địa phương ngừng ngay việc tuyển dụng biên chế giáo dục, khi việc sắp xếp lại trường, lớp hoàn tất sẽ có chủ trương sau.
Theo Trần Phúc/Tuổi trẻ