Việc công nhận, bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) ở nước ta vẫn chưa hết nóng, khi vụ việc GS Nguyễn Đức Tồn – nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học – bị “tố” đạo văn của học trò bị “khui lại”.
PGS-TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam- cho rằng, Hội đồng chức danh Giáo sư cần xem xét lại trường hợp phong GS cho ông Nguyễn Đức Tồn.
Nhưng khác với 10 năm trước, lần này đã có câu trả lời rõ ràng từ GS-TSKH Trần Ngọc Thêm - Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành ngôn ngữ học.
GS Thêm khẳng định: Ông Tồn đã vi phạm nghiêm trọng Luật Bản quyền, khi trích hàng trăm trang trong công trình nghiên cứu của học trò mà không ghi đồng tác giả, điều này chẳng khác là đạo văn của học trò.
Nội dung sách của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn (trái) có nhiều trang giống như luận án của nghiên cứu sinh do chính ông hướng dẫn.
Nhưng điều khiến giới khoa học trong nước bất ngờ nhất là việc GS Trần Ngọc Thêm tiết lộ những “thâm cung bí sử” trong việc xét, công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS từ vụ việc của ông Nguyễn Đức Tồn. Có chuyện phong GS vì nể nang, vì tình cảm, chứ không chỉ là những lời đồn đoán như trước.
Đặc biệt, biết rõ việc đạo văn, nhưng vì “truyền thống nhân văn, vị tha, bao dung của dân tộc” nên ông Nguyễn Đức Tồn vẫn đạt 100% phiếu đồng thuận của Hội đồng chức danh Giáo sư ngành năm 2009 (có 10 thành viên). Vậy là, ông trở thành GS và vài năm sau ngồi vào ghế Hội đồng để phán xét những người khác.
Trong khi đó, mỗi đợt xét duyệt có không ít nhà khoa học với hàng trăm bài báo quốc tế ISI, thậm chí lọt vào top 1% nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng trích dẫn cao mà vẫn bị “trượt” GS. Còn người bị tố đạo văn thì được vị tha, công nhận đạt chuẩn GS. Điều này là không công bằng và thậm chí nguy hiểm cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
“Phong GS như này thì nguy hiểm quá. Thầy cho trò chép nguyên xi một phần luận án. Thầy lại chép lại nguyên xi một phần luận án của trò để in sách. Sự thật hiển nhiên như vậy mà vẫn cho qua. Theo tôi, cả thầy và trò đều không xứng đáng để nhận học vị TS, học hàm GS”- một giảng viên thở dài khi theo dõi về vụ việc GS bị tố đạo văn của học trò.
PGS-TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam – cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, một khi đã vi phạm việc đạo văn, xét ở góc độ người nghiên cứu khoa học đã không xứng đáng. Một sinh viên làm luận văn vi phạm chắc chắn bị đánh trượt, một người làm luận án Tiến sĩ cũng chắc chắn bị tước bằng. Còn với học hàm học vị cao như Giáo sư càng không thể chấp nhận”.
PGS Phạm Văn Tình cho rằng, đã đến lúc Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cần xem xét lại trường hợp của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn. Nghi án đạo văn là một chuyện ảnh hưởng đến danh dự của một con người, rất cần được làm sáng tỏ. Đây cũng là cách tốt nhất để làm minh bạch, trong sạch đội ngũ trí thức hiện nay, lấy lại danh dự cho những nhà khoa học chân chính. Đặc biệt là lấy lại niềm tin của người dân, khi thời gian qua đã xảy ra quá nhiều lùm xùm trong việc công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS ở nước ta.
Theo Đặng Chung/Lao động Online