Câu chuyện GS. Trương Nguyện Thành không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng Đại học (ĐH) Hoa Sen và quay trở lại Mỹ làm việc khiến dư luận tiếc nuối không chỉ đối với trường này, mà còn cho cả giáo dục nước nhà.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Cụ thể, GS Trương Nguyện Thành được HĐQT ĐH Hoa Sen đề xuất công nhận vị trí hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022 với sự tín nhiệm cao. Tuy nhiên, theo quy trình công nhận hiệu trưởng của Luật Giáo dục Đại học 2012, ông Thành chưa đủ tiêu chuẩn về kinh nghiệm 5 năm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam theo Luật Giáo dục ĐH.
Từ câu chuyện này đã đặt ra nhiều vấn đề về quản trị ĐH, tự chủ ĐH (cụ thể là tự chủ về nhân sự) của trường ĐH. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tự chủ ĐH để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, hội nhập với ĐH quốc tế. Việc có nên điều chỉnh một số bất cập về tổ chức nhân sự trong Luật Giáo dục ĐH 2012 là điều có lẽ không cần phải bàn cãi. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại, rà soát tất cả điều khoản không còn phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, đã có sự trao đổi, làm rõ về các nội dung này.
Từ hoạt động thực tế tại các cơ sở giáo dục ĐH, theo bà, vì sao một trong những tiêu chuẩn quan trọng của hiệu trưởng là phải có kinh nghiệm về công tác quản lý - nhất là kinh nghiệm quản lý trong các cơ sở giáo dục ĐH?
Tiêu chuẩn hiệu trưởng cần có nội dung về kinh nghiệm quản lý như một minh chứng cho năng lực quản lý đã được thừa nhận của ứng viên hiệu trưởng, là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này.
Từ thực tế hiện nay, nên tiếp cận tiêu chuẩn này theo hướng có kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH nói chung chứ không nhất thiết phải là “kinh nghiệm quản lý trong các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam” như một số thông tin đã đưa. Bởi vì, khác với quản trị, quản lý nói chung, đặc thù công việc quản lý của hiệu trưởng trường ĐH là quản lý và tạo môi trường làm việc mang tính học thuật cho các nhà khoa học là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Vì vậy, kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH là một trong các điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện duy nhất hay điều kiện đủ.
Trong phạm vi quan sát của chúng tôi, ở nhiều nước khác, các trường cũng yêu cầu điều kiện này, với các mức độ, hình thức khác nhau như: Đã có thời gian/kinh nghiệm quản lý ở cấp khoa, phòng hoặc đã từng là giáo sư, từng là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường khác… hoặc chỉ đưa ra một số tiêu chuẩn chung và ứng viên sẽ được sát hạch qua hội đồng tuyển chọn để kiểm tra, đánh giá kinh nghiệm, năng lực làm việc.
Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, quy định về tiêu chuẩn này có được mở hơn không, thưa bà?
Hiện nay, Luật Giáo dục ĐH đang được sửa đổi, bổ sung và tiêu chuẩn trên cũng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Đó cũng là một trong những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Ở 3 dự thảo đầu, Ban soạn thảo quy định nội dung trên theo hướng mở: “Có uy tín khoa học, có năng lực quản lý, quản trị giáo dục ĐH”. Năng lực quản lý, quản trị giáo dục ĐH này sẽ do hội đồng trường, hội đồng quản trị xác định, lựa chọn.
Tuy nhiên, qua tổ chức lấy ý kiến tại 5 hội thảo ở 5 vùng (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ, với thành phần tham gia là đại diện các trường đại học, các chuyên gia giáo dục, các doanh nghiệp…), nhiều ý kiến góp ý không nên hạ thấp tiêu chuẩn tại điểm a, khoản 2 Điều 20 của Luật hiện hành và quy định trên tại Dự thảo lần thứ 3 chưa rõ… cần quy định để định lượng rõ về tiêu chuẩn này.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, từ dự thảo lần thứ 4, Ban soạn thảo tiếp tục quy định tiêu chuẩn này: “Có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục ĐH ít nhất 05 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên”. Nội dung của dự thảo không hạ thấp, vẫn giữ định lượng của kinh nghiệm quản lý nhưng mở hơn, không nhất thiết phải có kinh nghiệm quản lý ở cơ sở giáo dục ĐH (đã bao hàm ở cả các cơ sở giáo dục ĐH khác ở Việt Nam hay nước ngoài) mà còn có thể có kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH ở các cơ quan bộ, ngành, tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ…
Dự thảo Luật hiện nay cũng bỏ quy định về thủ tục hiệu trưởng trường ĐH tư thục phải được chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận (trong Điều lệ trường đại học) mà quy định trực tiếp “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH tư thục do hội đồng quản trị quyết định”.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự thảo. Những nội dung này (và các nội dung khác) của dự thảo sẽ tiếp tục được xin ý kiến Quốc hội theo quy trình soạn thảo văn bản luật và Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa dự thảo để ngày càng hợp lý hơn, vừa đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng để tạo ra mặt bằng chất lượng tối thiểu trong cả hệ thống đối với chức danh quản lý quan trọng này, vừa đảm bảo quyền của hội đồng trường/hội đồng quản trị nói riêng và quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH nói chung trong việc lựa chọn hiệu trưởng.
Hội đồng trường/hội đồng quản trị mới là người phải giải trình một cách thuyết phục với nhà trường, với cổ đông và các bên liên quan về sự lựa chọn hiệu trưởng của họ, vì sự phát triển của nhà trường.
Ngoài quy định chung, liệu có nên xem xét riêng cho những trường hợp đặc biệt để tránh bỏ sót người tài, được tín nhiệm và cũng có kinh nghiệm quản lý nhưng vẫn còn những điểm chưa đủ "khớp" hết với quy định chung?
Ở thời điểm năm 2012, Luật Giáo dục ĐH quy định về điều kiện tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm là quy định mang tính định lượng rõ ràng về điều kiện này nhưng chính vì vậy mà nó bó hẹp nguồn ứng viên hiệu trưởng. Những quy định như vậy là một trong các lý do cần phải sửa đổi bổ sung ngay Luật Giáo dục ĐH.
Hiện nay, thẩm quyền công nhận hiệu trưởng của các trường ĐH tư thục thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, khi Luật đang có hiệu lực thì từ Bộ GD&ĐT đến các cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ, thực thi. Mặc dù vậy, trong trường hợp cụ thể như Trường ĐH Hoa Sen mà dư luận đang quan tâm, nếu nhà trường và ứng viên hiệu trưởng thực sự quyết tâm cao thì vẫn có thể vừa đạt được hợp tác, vừa thực hiện đúng Luật, không nhất thiết phải bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng ngay ở thời điểm mà điều này còn đang trái với quy định hiện hành.
Hiện nay, Ban soạn thảo đang khẩn trương thực hiện các quy trình để trình Quốc hội Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH theo đúng tiến độ, nhằm tháo gỡ ngay những “điểm nghẽn, nút thắt” của Luật hiện hành như đã xảy ra trên thực tế.
Có ý kiến nói rằng Luật làm sao phải thu hút được hiền tài mới là Luật? Bà nghĩ sao về điều này?
Hiền tài là nguyên khí quốc gia, đánh giá về hiền tài như thế nào cần đặt trên mặt bằng chung của cả hệ thống. Nếu không quy định mặt bằng chung thì lại phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người có thẩm quyền.
Chúng ta đã nói, luật hiện hành đang cần sửa đổi và đang được rà soát để sửa đổi bổ sung. Kỳ họp Quốc hội tới đây, Chính phủ sẽ trình dự luật ra Quốc hội.
Quy định nào cũng có mặt trái và quan trọng là cơ quan quản lý phải có phương án phòng ngừa rủi ro các mặt trái của quy định này. Ví dụ, với quy định thiên về định lượng, như ta nói là 5 năm cương vị quản lý cấp phòng chẳng hạn, định lượng này dễ hình dung, dễ áp dụng, tạo ra mặt bằng chung, nhưng cũng dễ bị coi là cứng nhắc, không linh hoạt trong những trường hợp cụ thể. Và thông thường quy định định lượng tuổi thọ không cao, cần sửa đổi bổ sung nhanh hơn.
Các quy định có tính chất định tính, cụ thể là trong Luật Giáo dục ĐH 2012 chỉ quy định năng lực quản lý, quản trị… sẽ khiến các quy định đó dễ áp dụng trên thực tế, nhưng cũng dễ xảy ra khả năng bị vận dụng tùy tiện do phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người có thẩm quyền, không tạo ra mặt bằng chất lượng chung cho cả hệ thống.
Vì vậy, khi sửa luật, chúng tôi phải kết hợp cả tiêu chuẩn có tính định tính và có tính định lượng, để đảm bảo mặt bằng chung nhưng cũng tạo ra sự tự chủ cho người có thẩm quyền, để linh hoạt trong từng trường hợp nhất định.
Bổ nhiệm hiệu trưởng ĐH không chỉ là câu chuyện về điều kiện bổ nhiệm mà xa hơn còn là quản trị đại học hiện đại, vai trò, chức năng của hội đồng trường, mối quan hệ chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng. Xin bà chia sẻ quan điểm của Bộ GD&ĐT về mối quan hệ này thể hiện thế nào trong dự thảo luật sửa đổi?
Trong dự thảo lần này, Luật Giáo dục ĐH đã xác định khá rõ nét về mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng. Chủ tịch Hội đồng trường được quy định là có các quyền quan trọng về phương hướng, chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy, nhân sự hiệu trưởng, ban hành các quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính chung, quyết định những định hướng lớn cho sự phát triển của nhà trường.
Hiệu trưởng là vai trò của người quản lý điều hành hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật, theo nghị quyết của Hội đồng trường. Nhân sự hiệu trưởng của trường công thì do Hội đồng trường quyết định và trình cơ quan có thẩm quyền công nhận. Nhân sự hiệu trưởng của trường tư thì do Hội đồng quản trị quyết định. Đó là nét khác nhau, phân định 2 thiết chế này.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là dự thảo và tiếp tục được hoàn thiện để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn như chúng ta đang bàn.
Cơ quan có thẩm quyền sẽ chỉ phê duyệt nhân sự do Hội đồng trường đề xuất. Nhân sự hiệu trưởng của trường công thì do Hội đồng trường quyết định và trình cơ quan có thẩm quyền công nhận. Nhân sự hiệu trưởng của trường tư thì do Hội đồng quản trị quyết định. Nội dung này trong dự thảo, theo bà có tác động như thế nào đến việc nâng cao năng lực quản trị đại học nói riêng, đẩy mạnh tự chủ đại học nói chung?
Quy định này chúng tôi cho rằng sẽ nâng cao năng lực quản trị giáo dục ĐH thông qua quy định về thành phần, quy định về trách nhiệm của Hội đồng trường và Hội đồng quản trị. Những thiết chế này được tự chủ quyết định về định hướng phát triển của nhà trường, qua đó trao quyền tự chủ cho nhà trường, tiến tới cơ chế giảm dần và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản để thực hiện chủ trương tự chủ ĐH ngày càng sâu rộng hơn.
Hội đồng trường sẽ thực sự là cơ quan quyền lực hướng tới mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ cộng đồng tốt hơn. Khi phân định quyền hạn như vậy sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước làm việc một cách chuyên nghiệp hơn. Tức là tập trung vào chức năng chính là xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện, đề ra các chiến lược phát triển hệ thống, quy định các chuẩn chất lượng, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Như vậy các "vai" sẽ đúng hơn.
Theo Nhật Nam/Chinhphu.vn (thực hiện)