Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2018, chỉ tiêu vào ngành sư phạm là gần 35.590 chỉ tiêu, giảm 38% so với năm 2017.
Thiếu giáo viên mầm non nên một cô phải chăm hơn 30 trẻ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
“Chỉ tiêu này được tính toán dựa trên kết quả khảo sát, thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên của tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước trong 5 năm tới theo từng cấp học và môn học,” bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.
Năm 2021 sẽ thiếu 59.000 giáo viên
Cũng theo bà Phụng, việc khảo sát nhu cầu giáo viên của các địa phương đã được Bộ thực hiện từ cuối năm 2017.
Theo đó, nhu cầu giáo viên trong năm năm tới, từ năm học 2021-2022, khi lứa sinh viên sư phạm tuyển năm 2018 tốt nghiệp, của 63 tỉnh thành là 59.000 giáo viên. Số lượng này bao gồm cả nhu cầu giáo viên mới và thay thế giáo viên về hưu.
Bên cạnh việc khảo sát nhu cầu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai đề tài nghiên cứu khảo sát về số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm trong hai năm qua và dự kiến số sinh viên đã đi làm, số vẫn còn chờ việc, số đã đi làm nhưng sẽ quay lại nghề sư phạm khi có cơ hội.
[Tuyển sinh sư phạm: Thí sinh chê đầu ra, Bộ siết đầu vào, trường lo ế]
Kết quả khảo sát cho thấy, số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm và dự kiến sinh viên tốt nghiệp năm 2018-2019 ra trường chưa tìm được việc làm ngay là hơn 40.000 người. Trong đó, khoảng 50% vẫn chờ cơ hội vào sư phạm hoặc sẵn sàng quay lại với sư phạm nếu có cơ hội. Theo đó, ngành sư phạm sẽ thu hút được khoảng hơn 20.000 người.
“Cân đối giữa số nhu cầu là 59.000 người và số có thể thu hút là hơn 20.000 người, nên năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giao gần 35.600 chỉ tiêu. Con số này phù hợp với nhu cầu sử dụng của các địa phương và số dôi dư hiện nay. Điều đó nhằm đào tạo sát nhu cầu và giảm thiểu sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm,” bà Phụng nói.
Số giáo viên thiếu chủ yếu tập trung ở bậc mầm non, tiểu học
“Khát” giáo viên mầm non, tiểu học
Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số giáo viên thiếu chủ yếu tập trung ở bậc mầm non và tiểu học. Cụ thể, đến năm học 2021-2022, trong số 59.000 giáo viên thiếu thì có đến 49.000 là chỉ tiêu của mầm non và tiểu học, chiếm tới 83%.
Thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục năm 2017 cho thấy, tỉnh Sơn La thiếu trên 1.000 giáo viên mầm non. Số giáo viên mầm non còn thiếu của tỉnh Bắc Giang là gần 2.000 người, tỉnh Thái Bình thiếu 1.500 giáo viên, Thanh Hóa thiếu 1.405 người, Thành phố Hồ Chí Minh thiếu gần 1.200 người. Tỉnh Nghệ An thậm chí thiếu đến gần 3.400 giáo viên mầm non. Ở bậc tiểu học, tỉnh Sơn là thiếu trên 1.000 giáo viên, Gia lai thiếu gần 1.200 giá viên, Hà Nội thiếu gần 2.700 giáo viên.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, đây là lý do năm 2018 Bộ vẫn giao trên 5.000 chỉ tiêu đào tạo sư phạm hệ trung cấp.
“Các địa phương chủ yếu đang thiếu giáo viên mầm non và họ muốn đào tạo ngắn nhất để ra làm việc ngay. Chỉ hệ trung đáp ứng được yêu cầu này vì chỉ cần hai năm,” bà Phụng nói.
[Tuyển sinh đại học 2018: Số nguyện vọng vào ngành sư phạm giảm 29%]
Bên cạnh việc thừa-thiếu giáo viên lệch nhau ở các bậc học thì còn có tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ theo vùng miền.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, để khắc phục tình trạng này, mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ đã có tính toán kỹ lưỡng trong việc phân bổ chỉ tiêu cho các trường ở các khu vực khác nhau.
Cụ thể, trong số gần 35.600 chỉ tiêu sư phạm năm nay, các trường sư phạm lớn sẽ được giao khoảng 8.000 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu còn lại sẽ giao cho các trường đào tạo sư phạm tại các địa phương./.
Theo Phạm Mai (TTXVN/Vietnam+)