Việc thực nghiệm các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai tại 6 tỉnh, thành.
Chiều 3/5, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức thông tin về kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông vừa kết thúc một tháng (từ ngày 23/3-23/4) đi địa phương để thực nghiệm các môn học, nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình mới đến người dạy và học.
Một giờ dạy học khi thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh: Bộ GD-ĐT)
Trong 1 tháng qua, Ban soạn thảo chương trình đã phối hợp với các Sở GD-ĐT chọn ra 48 trường học (18 trường tiểu học, 18 trường THCS và 12 trường THPT) tại 6 tỉnh thành, đại diện cho 6 vùng phát triển của Việt Nam, gồm: Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu để thực nghiệm các chương trình môn học mới. Mỗi tỉnh, thành chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT để triển khai việc thực nghiệm.
Các trường học được lựa chọn tham gia thực nghiệm chương trình mới có điều kiện cơ sở vật chất, thuộc địa bàn kinh tế xã hội khác nhau. Cách chọn mẫu này nhằm đánh giá được chính xác nhất chương trình môn học đã phù hợp, gây hứng thú cho học sinh và vừa sức giảng dạy của giáo viên ở các vùng miền khác nhau hay chưa. Ngoài ra, cách chọn này cũng giảm khoảng cách về kết quả giữa thực nghiệm với áp dụng đại trà.
Nội dung, phương pháp và cách thức đánh giá mới là điều được đưa ra thực nghiệm lần này. Theo đó, Ban soạn thảo chỉ định bài, cung cấp tài liệu hướng dẫn và tập huấn cho giáo viên để họ soạn giáo án rồi thực hiện giờ dạy. Sau mỗi tiết học, thành viên Ban soạn thảo sẽ nghe học sinh phản hồi về sự hiểu bài, hứng thú của các em. Giáo viên dạy thực nghiệm được phát phiếu trưng cầu ý kiến về chương trình từng môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ý kiến trả lời theo hình thức online, không ghi danh tính, để thầy cô nhận xét khách quan.
Được biết, sau khi có kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT, ban soạn thảo chương trình sẽ rút kinh nghiệm, hoàn thiện chương trình trước khi triển khai đại trà./.
Theo Bích Lan/VOV.VN