Nhìn vào quy định nhận hồ sơ xét tuyển bằng phương thức học bạ mới thấy một số trường ĐH đang tìm mọi cách để 'mời' thí sinh vào học. Chưa bao giờ việc xét tuyển bằng học bạ lại dễ như năm nay khi không còn 'sàn' tối thiểu.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ năm 2017. Năm nay nhiều trường quy định hình thức xét tuyển này rất thoángĐÀO NGỌC THẠCH
Học lực dưới trung bình ?
Từ năm 2017 trở về trước, thí sinh (TS) xét tuyển bằng học bạ vào các ngành bậc ĐH cũng cần mức “sàn” tối thiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Cụ thể điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với trình độ ĐH, 5,5 với bậc CĐ (theo thang điểm 10).Nhưng năm nay, Bộ bỏ ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm tối thiểu nhận hồ sơ) với các ngành ngoài sư phạm bằng phương thức xét tuyển kết quả thi THPT và kể cả xét tuyển bằng học bạ.Chính vì vậy, bên cạnh các trường ĐH vẫn giữ mức “sàn” tối thiểu nhận hồ sơ từ 6 trở lên thì một số trường lại hạ mạnh. Chẳng hạn Trường ĐH Phan Thiết (Bình Thuận) nhận hồ sơ xét tuyển với phương thức học bạ từ mức 5,5 điểm trở lên. Mức điểm này bằng với “sàn” tối thiểu mà Bộ cho phép để tuyển sinh vào các ngành bậc CĐ theo quy định các năm trước.
Trường ĐH nhầm lẫn về điểm liệt Theo quy định năm nay, điểm liệt được tính từ 1 trở xuống. Khi xét tuyển ĐH, TS không được sử dụng bài thi bị điểm liệt. Tuy nhiên, đề án tuyển sinh một số trường ĐH hiện đã được công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ cho thấy có sự nhầm lẫn khi quy định điểm liệt là nhỏ hơn hoặc bằng 1. |
Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) còn đưa ra mức điểm nhận hồ sơ bằng học bạ với các ngành ngoài sư phạm thấp hơn khi yêu cầu tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 15 trở lên. Phương thức xét tuyển học bạ của Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) cũng từ 15 điểm trở lên cho tổng điểm 3 môn (trừ ngành y khoa).Đáng lưu ý là đề án tuyển sinh của Trường ĐH Bình Dương. Trường này xét tuyển kết quả 3 năm THPT, điểm “sàn” đủ điều kiện nộp hồ sơ là 12 (trong thang điểm tối đa 30). Ở phương thức xét dựa vào kết quả học tập lớp 12, điểm xét tuyển được tính là điểm trung bình 3 môn cộng lại đạt tối thiểu 12/30 điểm. Như vậy, tính trung bình điểm mỗi môn ở đây là 4 (thấp hơn ngưỡng sàn của Bộ năm trước tới 2 điểm). Nếu chiếu theo cách xếp loại học lực bậc phổ thông, một TS có điểm trung bình 3 môn dưới mức trung bình vẫn có thể xét tuyển để học bậc ĐH ở trường này?
Điểm số ảo
Như vậy, việc bỏ “sàn” dẫn đến xét tuyển học bạ ngày càng “nhẹ nhàng” với mức điểm thấp dần. Điều này càng đáng nói khi cơ sở xét tuyển này, điểm số bậc phổ thông, không phải lúc nào cũng đáng tin cậy nếu nhìn vào thực tế việc cho điểm ở nhiều địa phương.
Trước đó, Báo Thanh Niên từng có bài viết phản ánh tình trạng nhiều trường THPT cho điểm khống và lập 2 sổ điểm khác nhau, trong đó có sổ điểm ảo để dành cho học sinh xét tuyển vào ĐH. Thực trạng này còn được khẳng định rõ qua kết quả thống kê độ “vênh” giữa điểm trung bình lớp 12 với điểm trung bình các môn trong kỳ thi THPT của 2 năm 2015 và 2016. Kết quả này cho thấy, tính trung bình cả nước độ lệch này gần 2,5 điểm. Đặc biệt, hầu hết các trường tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên đều có độ chênh lệch cao hơn 3 điểm. Có tới trên 50 trường THPT, mức lệch lớn hơn 4 điểm.Trước thực trạng này, cán bộ tuyển sinh một trường ĐH, lo ngại: “Không còn điểm sàn, giới hạn để TS tốt nghiệp phổ thông vào học ĐH sẽ bằng 0. Trong đó, với tiêu chí xét tuyển “cào bằng” sẽ không loại trừ khả năng một TS không có năng lực môn toán, hóa, sinh vẫn theo học ngành liên quan đến sức khỏe. Hậu quả tương lai sẽ rất khó lường từ đội ngũ người học không đủ năng lực học ĐH này”.
Theo Hân Trân/Thanh niên