BGTV- Bên cạnh việc học kiến thức, trang bị kỹ năng sống (KNS) cho trẻ, nhất là ở bậc tiểu học cũng đang là vấn đề được các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh ủng hộ, bởi những điều này tác động mạnh mẽ và có vai trò quan trọng tới phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ sau này.
Trẻ cần được trang bị kỹ năng sống để định hướng phát triển cá nhân một cách tốt nhất
Giáo dục kỹ năng sống còn bị xem nhẹ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà mỗi cá nhân cần có để tương tác với những người khác một cách hiệu quả hoặc ứng phó với những vấn đề hay những thách thức của cuộc sống hàng ngày. Theo UNICEFF, kỹ năng sống là tập hợp rất nhiều kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân giúp cho con người đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp một cách có hiệu quả, phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân nhằm giúp họ có một cuộc sống lành mạnh và có hiệu quả.
Gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giáo dục kỹ năng sống cơ bản cho trẻ một cách khoa học và có chiến lược
Trong xã hội nay, giáo dục KNS cho trẻ thực sự rất cần thiết. Việc hình thành, tạo dựng kỹ năng cho trẻ trong học tập và sinh hoạt không chỉ mang lại lợi ích về mặt sức khoẻ mà còn giúp các em hình thành tư duy độc lập, tự tin, sớm có ý thức để làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh. Cũng bởi vậy, giai đoạn mầm non và tiểu học được xem là nền tảng quan trọng khi trẻ cần được trang bị KNS cần thiết, từ đó hình thành nhân cách và định hướng phát triển một cách tốt nhất
Tại nước ta nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng, vấn đề giáo dục KNS cho trẻ đã và đang được quan tâm, tuy nhiên trong nhà trường và ngay cả từ phía các bậc phụ huynh, việc đề cao và giáo dục KNS cho con em mình vẫn còn nhiều thiếu sót, thuật ngữ KNS được sử dụng phổ biến song việc hiểu đúng và đủ về điều này vẫn chưa nhiều. Giáo dục KNS hướng tới việc giúp con người thay đổi nhận thức, thái độ và giá trị trong những hành động theo xu hướng tích cực và mang tính chất xây dựng, tuy nhiên sự “thiếu và yếu” trong KNS của trẻ từ khi còn nhỏ sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới nhận thức, hành vi ứng xử của các em đối với các vấn đề trong đời sống.
Kỹ năng sống – không thể thiếu trong XH hiện đại
Trong những năm trở lại đây, khi phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai và hưởng ứng mạnh mẽ trong các cấp học, ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục, các đơn vị trường học ngày càng chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Bắc Giang ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức triển khai, lên kế hoạch đối với các hoạt động theo chương trình năm học ở nhiều lĩnh vực. Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động, tích cực phối hợp với một số ngành, cơ quan chức năng có nội dung liên quan như Công an TP Bắc Giang tổ chức tuyên truyền Luật an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn các em đi đúng phần đường và nhận biết các biển hiệu, cách sử dụng mũ bảo hiểm; hướng dẫn các em trong cách thoát hiểm khỏi đám cháy khi có hỏa hoạn xảy ra .... Các hoạt động đều mang tính tập thể trên tinh thần tự chủ của các em học sinh nhằm phát triển khả năng sáng tạo và cá tính riêng của mỗi cá nhân trong tập thể.
Hoạt động trải nghiệm trong tình huống cứu hộ - cứu nạn của các em học sinh trường tiểu học Lê Hồng Phong, TP Bắc Giang
Cô Lê Thị Sáng, hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đào tạo KNS tới các em học sinh nên bên cạnh việc giáo dục trên lớp, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho các em học sinh cũng được nhà trường rất chú trọng. Những hoạt động này được tổ chức thực hiện một cách khoa học và bài bản nhằm tạo dựng cho các em những kỹ năng, hiểu biết cần thiết để tự tin và chủ động trong học tập cũng như sinh hoạt, đồng thời hướng các em biết chia sẻ và quan tâm tới mọi người xung quanh.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nếu như chúng ta chú trọng nhiều hơn đến dạy KNS cho học sinh thì chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều những vụ việc đang buồn như bạo lực học đường, lăng mạ thầy cô trên mạng, trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, tự tử… Cũng như kiến thức, KNS đến từ quá trình học tập và nền tảng giáo dục từ gia đình và nhà trường và xã hội, do đó việc rèn luyện KNS là rất cần thiết giúp mỗi cá nhân phát huy năng lực, khẳng định bản thân và xa hơn là xây dựng một cộng đồng, xã hội văn minh.
Minh Anh