Bãi đỗ xe tự động không phụ thuộc vào người trông coi. Người nào có xe ô tô sẽ được cấp cho 1 mã số và quẹt thẻ.
Với niềm đam mê sáng tạo, nhiều năm qua, thầy giáo Trần Văn Dũng cùng đồng nghiệp ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk đã sáng chế hàng chục mô hình dạy học hữu ích. Các mô hình này không chỉ giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài giảng mà còn có khả năng áp dụng trong thực tiễn.
Gần 20 năm gắn bó với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk, thầy giáo Trần Văn Dũng đã nghiên cứu, chế tạo hơn 10 mô hình, thiết bị để phục vụ trong công tác dạy học rất hữu ích. Các sản phẩm này đều tham gia các hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cấp, trong đó có 5 sản phẩm đạt giải cấp quốc gia tại các hội thi.
Điển hình như thiết bị “Bàn thực hành đa năng PLC trang bị điện”, “Bàn thực hành trang bị điện mạch điện máy mài mặt phẳng”, “Hệ thống đóng – mở cửa tự động”. Các mô hình này nhằm rèn luyện cho sinh viên khả năng lập trình và biết phối hợp kỹ năng giữa các môn học trong chương trình đào tạo ngành điện, tạo thành một khối liên kết thống nhất, chặt chẽ để chế tạo thành sản phẩm có thể ứng dụng trong thực tiễn.
Mới đây nhất, thầy giáo Trần Văn Dũng cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu, chế tạo thành công mô hình “Hệ thống đỗ xe tự động dùng PLC S7-200”. Sản phẩm này đã giải nhất Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh, giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2017.
Đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ mới với các thiết bị điều khiển lập trình (PLC) và màn hình cảm ứng (HMI) kết hợp với các trang bị điện để điều khiển các phụ tải giống như dây chuyền sản xuất thực tế. Với sản phẩm này, ngày 17/4, thầy giáo Trần Văn Dũng sẽ có mặt tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) để nhận giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14.
“Mô hình này trong thời gian nghiên cứu và chế tạo khoảng 3 tháng. Bãi đỗ xe không phụ thuộc vào người trông coi. Người nào có xe ô tô sẽ được cấp cho 1 mã số. Quẹt thẻ là xe được cất, rồi đi chợ hay làm việc, sau đó lấy ra cũng quẹt thẻ. Tùy theo số giờ mà trừ tiền. Sản phẩm này tôi cho là hoàn hảo và tôi đam mê nhất bởi không chỉ phục vụ dạy học, mà muốn tuyên truyền cho một đất nước phát triển theo hướng văn minh, lịch sự, tức là không nên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để đỗ xe”, thầy Trần Văn Dũng chia sẻ.
Theo đánh giá của Thạc sĩ Hoàng Minh Cương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk, thầy giáo Trần Văn Dũng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “dạy tốt – học tốt”, là một điển hình về lao động sáng tạo. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật và chế tạo các thiết bị dạy học của nhà trường.
Thạc sĩ Hoàng Minh Cương khẳng định, hoạt động này vừa rèn luyện kỹ năng tay nghề cho đội ngũ nhà giáo, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, vừa giúp nhà trường giảm áp lực về thiết bị dạy học, trong khi ngân sách còn hạn hẹp.
Thạc sĩ Hoàng Minh Cương cho biết: “Sự huy động từ đội ngũ nhà giáo, công chức - viên chức và học sinh – sinh viên tham gia làm đồ dùng dạy học, đó là hoạt động nghiên cứu chuyên môn thường xuyên được nhà trường đẩy mạnh. Thầy Trần Văn Dũng là một trong những tấm gương tiêu biểu của cán bộ quản lý, nhà giáo, giảng viên nhà trường trong việc tham gia sáng tạo kỹ thuật thiết bị dạy nghề tự làm trong phong trào thi đua dạy tốt – học tốt của nhà trường. Cùng hỗ trợ với nhà trường trong việc chế tạo, lắp ghép các mô hình để phục vụ đào tạo trong lúc ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được đầy đủ”.
Gần 20 năm gắn bó với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk, thầy giáo Trần Văn Dũng đã nhiều lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, thầy đã có hàng chục mô hình hữu ích, được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Đắk Lắk tặng bằng khen và công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Với bề dày thành tích và kết quả sáng tạo đó, thầy giáo Trần Văn Dũng đã thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo cho cả với học sinh – sinh viên và đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường./.
Theo Quốc Học/VOV-Tây Nguyên