Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội không tìm thấy thông tin về trường quốc tế George Washington (Mỹ) liên kết dạy song bằng ở 14 tỉnh thành Việt Nam.
Đầu tháng 4, nhiều phụ huynh bày tỏ hoài nghi về tính pháp lý của trường George Washington International School (GWIS - Mỹ), cơ sở liên kết đào tạo song bằng với các trường học tại 14 tỉnh thành Việt Nam. GWIS đã cấp bằng cho hàng nghìn học sinh Việt Nam với cam kết "có giá trị quốc tế, được các đại học Mỹ công nhận".
Trên website, GWIS giới thiệu là cơ sở giáo dục tư thục dành cho học sinh Mỹ và quốc tế từ lớp 1 đến 12, với mục đích giúp các em chuyển tiếp suôn sẻ sang hệ thống giáo dục bậc cao của nước này.
Website của trường GWIS chỉ có một số hình ảnh, video về học sinh Việt Nam, không có hình ảnh hoạt động dạy và học ở Mỹ.
Hai địa chỉ GWIS công khai gồm cơ sở ở 11255 Central Ave Ontario, bang California và 5764 N Orange Blossom Trail, bang Florida, Mỹ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, nhiều người phát hiện cơ sở ở California thực chất là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật và giáo dục California (California Education and Performing Arts Center), nơi cho thuê địa điểm tổ chức hoạt động nghệ thuật và giáo dục. Tương tự, cơ sở 5764 N Orange Blossom Trail, Orlando, bang Florida là đại lý thư tín Mail&More FingerPrinting, đã được thành lập từ năm 1986.
Phụ huynh chỉ ra website trường GWIS không cung cấp thông tin về năm thành lập, tên hiệu trưởng, hình ảnh bất kỳ thầy cô hay nhân viên nào của trường.
Sở Giáo dục Hà Nội: Trường GWIS có hồ sơ pháp lý
Trường phổ thông quốc tế Newton tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội, là một trong những cơ sở đã liên kết đào tạo chương trình "du học tại chỗ" với GWIS từ năm 2012. Trước băn khoăn của dư luận, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Bùi Thị Minh Nga cho biết, đã gửi công văn báo cáo Bộ Giáo dục ngày 11/4, nhận trách nhiệm cùng trường Newton giải thích mọi thắc mắc để phụ huynh và học sinh yên tâm.
Theo bà Nga, trường Newton nộp tờ trình xin dạy chương trình song bằng cùng GWIS ngày 24/3/2012 để học sinh nhận bằng của Bộ Giáo dục Việt Nam và Mỹ. Là một trong những trường đầu tiên thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài về giáo dục, trường Newton phải lập đề án thí điểm chương trình mà cơ sở lựa chọn liên kết, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, năng lực đào tạo, khung chương trình chi tiết, phân phối chương trình, mẫu văn bằng chứng chỉ, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.
Hồ sơ pháp lý của đơn vị đối tác do trường cung cấp bao gồm giấy chứng nhận thành lập và hoạt động; giấy xác nhận tình trạng hoạt động; xác nhận kiểm định của giáo dục vùng, tiểu bang, nước Mỹ; hồ sơ nhân sự của hiệu trưởng và hồ sơ pháp lý của giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình đó theo đúng yêu cầu của Sở Lao động cấp giấy phép lao động, bằng cấp, hộ chiếu, visa...
Bà Nga cho biết, lãnh sự quán của Việt Nam tại New York xác nhận thông tin về tính pháp lý của trường GWIS. Sau khi xem xét, Sở đề nghị Bộ cho phép trường Newton triển khai. Tháng 10/2012, Bộ đồng ý cho trường lựa chọn các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh trong chương trình giáo dục Mỹ để giảng dạy. Như vậy, Sở đã làm đúng thủ tục, quy trình.
Đại sứ quán Mỹ chưa xác thực được thông tin về GWIS
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, chính phủ Mỹ có thẩm quyền và giám sát đối với các trường học có trụ sở tại Mỹ, không phải là các tổ chức được thành lập hoặc hoạt động bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Phụ huynh có thể kiểm tra thông tin về trường tại Mỹ qua một số nguồn, như danh sách của Cục An ninh nội địa Mỹ về trường được cấp phép tuyển học sinh quốc tế tại Mỹ theo thị thực F-1 và M-1, danh sách của mỗi tiểu bang về trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 và công khai trên Internet.
"Nhân viên Đại sứ quán không thể tìm thấy trường GWIS trên bất kỳ danh sách nào của Cục An ninh nội địa Mỹ, bang Florida hay California", thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nêu rõ.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội phủ nhận việc chứng thực bằng cấp và bảng điểm của GWIS. Việc chứng thực như vậy cần thông qua một quá trình xác minh, có thể được thực hiện ở Mỹ. Việc Đại sứ quán có thể làm là chấp nhận một bản tuyên thệ. Với việc tuyên thệ trước sự chứng kiến của một cán bộ lãnh sự, người ký tên vào bản tuyên thệ có thể cam đoan về sự xác thực của bằng cấp.
Chữ ký của cán bộ lãnh sự trong bản tuyên thệ, trong mọi trường hợp, không thể được coi là xác nhận giá trị pháp lý của tài liệu, mà chỉ xác nhận rằng người mang tài liệu đó đã tuyên thệ về tính xác thực của văn bản trước một cán bộ được cho phép tiến hành việc tuyên thệ, Đại sứ quán Mỹ giải thích.
Mặc dù Đại sứ quán Mỹ và Lãnh sự quán Mỹ vẫn cung cấp dịch vụ công chứng, các bằng cấp và bảng điểm lại được chứng thực theo một cách hoàn toàn khác. Để chứng thực bằng cấp và bảng điểm, bạn cần tuân thủ một quá trình xác thực có thể được thực hiện ở Mỹ. Tuy nhiên, các cơ quan Việt Nam đôi khi có thể chấp nhận một bản tuyên thệ được đính kèm với bằng cấp. Như vậy, người có bằng cấp cần liên hệ với người sử dụng lao động để biết họ có chấp nhận một bản tuyên thệ do chính người có tên trong bằng cấp đó thực hiện tại Lãnh sự quán Mỹ để cam kết về tính xác thực của bằng cấp hay không.
"Chúng tôi không đảm bảo việc các cơ quan nước sở tại sẽ chấp nhận hay áp dụng những bản tuyên thệ như vậy", Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết.
Theo Thùy Linh/VnExpress