“Trong khi học sinh đang "quay lưng" với môn Lịch sử, phần mềm này rất hiệu quả bởi ngoài sách vở, các tư liệu đưa vào giảng dạy như một cuốn phim khiến học sinh hứng thú, không nặng về đọc chép”.
>> Học sinh Hà Nội học Lịch sử, Văn học, Mỹ thuật qua không gian tết làng quê Bắc bộ
>> Nữ sinh giải Nhất HSG quốc gia Lịch sử: Hiểu biết quá khứ để trân trọng, quý giá hiện tại
Trên đây là nhận xét của một số giáo viên trực tiếp giảng dạy “Giáo án điện tử môn Lịch sử” - giải pháp được giới thiệu tại “Ngày hội Công nghệ thông tin lần thứ 4” của Hà Nội vừa qua.
"Giáo án điện tử môn Lịch sử"
Ghi nhận của chúng tôi, phần mềm "Giáo án điện tử môn Lịch sử" được “trình làng” lần này, cập nhật các ứng dụng công nghệ thông tin mới hiện nay.
Bộ giải pháp này gồm ba trọng tâm chính: Phần mềm soạn giáo án; Hệ thống giáo án điện tử môn lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12; Thư viện số về Lịch sử (tư liệu, video, hình ảnh, bản đồ, lược đồ…).
Phần mềm được giới thiệu tại "Ngày hội CNTT lần thứ 4" của Hà Nội.
Phần mềm soạn giáo án
Giáo viên có thể dễ dàng soạn và giảng dạy trực tiếp trên phần mềm soạn giáo án với sự hỗ trợ về tư liệu và học liệu đa phương tiện từ “Thư viện số về lịch sử”.
Mỗi bài học Lịch sử giờ đây không chỉ có kiến thức đơn thuần mà còn được tích hợp các video, hình ảnh, bản đồ - lược đồ Lịch sử… nhằm làm sinh động và đa dạng trong việc truyền tải các nội dung kiến thức của bài học đến các em học sinh
Phần mềm soạn giáo án cho phép giáo viên chỉnh sửa các bài giáo án mẫu hoặc tạo ra các bài giáo án mới với sự hỗ trợ của thư viện số.
Giáo án điện tử môn Lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12
Giáo án điện tử mở được thiết kế theo hướng tổ chức các hoạt động học tập và đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, bao gồm: hoạt động khởi động, hoạt động hình thành kiến thức, hoạt động luyện tập (củng cố), hoạt động vận dụng, mở rộng.
Hệ thống kiến thức dựa theo đúng trình tự sách giáo khoa Lịch sử và chương trình giảng dạy môn Lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hướng dẫn chi tiết từng hoạt động của giáo viên và hoạt động của học sinh trong từng bài học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy của mọi giáo viên.
Gợi ý hướng dẫn tiến trình tổ chức các hoạt động trong bài giảng cho cả giáo viên và học sinh nhằm đạt được mục tiêu của bài học.
Mỗi giáo án đều được tích hợp các học liệu đa phương tiện như video, hình ảnh, lược đồ, hiệu ứng, đồ họa sinh động.
Nếu trước đây, có những bài học phải mất 20 phút để kể lại, ở đây chỉ chiếu như trên đây trong vòng 5 phút mà học sinh không bị nhầm lẫn.
Thư viện số về lịch sử
Thư viện số về lịch sử phục vụ mục đích tra cứu, giảng dạy và học tập dành cho giáo viên, học sinh.
Nội dung tư liệu được chia làm hai phần chính: Tư liệu gắn với bài học từ lớp 4 đến lớp 12 và tư liệu mở rộng theo từng thời kì lịch sử, bao gồm: video, hình ảnh, bản đồ - lược đồ lịch sử, tư liệu lịch sử theo bài học.
Hệ thống kiểm tra đánh giá khoa học, thiết thực và hiệu quả theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và phát triển phẩm chất năng lực học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông.
Học sinh có thể tham gia các bài kiểm tra đánh giá do giáo viên tạo ra hoặc luyện thi với các bộ đề thi được tuyển chọn theo cấu trúc đề thi trung học phổ thông quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông qua đó rèn luyện kĩ năng trả lời câu hỏi làm bài kiểm tra và làm đề luyện thi.
Giáo viên thích thú
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Mỹ - giáo viên Lịch sử, Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) cho biết, trong khi học sinh đang rất chán môn Lịch sử, phần mềm này rất hiệu quả bởi ngoài sách vở, các tư liệu đưa vào giảng dạy như một cuốn phim khiến học sinh hứng thú, không nặng về đọc chép, tạo cho học sinh sự tự do sáng tạo.
Cô cho hay, nếu trước đây, có những bài học phải mất 20 phút để kể lại, ở đây chỉ chiếu trong vòng 5 phút mà học sinh không bị nhầm lẫn.
“Hiện nhà trường có khối 6, khối 7 đang được giáo viên áp dụng “Giáo án điện tử môn Lịch sử” bởi phần lịch sử cận đại sau này có nhiều tư liệu trên mạng Internet hơn phần sử cổ đại.
Qua những bài đã giảng, tôi thấy hệ thống tư liệu lịch sử được soạn cẩn thận, phong phú. Do đó, việc soạn giáo án cũng rút ngắn thời gian.
Trước đây, việc soạn giáo án (tùy từng giáo viên) nhưng trung bình một bài lâu nhất mất tầm 1- 2 tiếng đồng hồ thì nay chỉ mất 20-30 phút. Thậm chí giáo viên nào không cầu toàn, có thể để nguyên giáo án đã soạn sẵn.
Chỉ có điều đáng ngại nhất, nếu trường nào chưa có mạng Internet, giáo viên phải tải tư liệu bài giảng về máy tính để giảng. Hoặc ở một số trường cơ sở vật chất chưa tốt, chưa có các máy chiếu hoặc không có ti vi, việc áp dụng phần mềm này rất khó khăn”, cô Mỹ cho biết.
Theo một giáo viên Trường THCS Cầu Giấy, phầm mềm này rất tiện ích bởi kiến thức phần cổ đại thường rất thiếu thì nay được chiếu phong phú qua hình ảnh 3D.
Thứ hai, hệ thống bài tập của học sinh sẽ được kiểm tra thường xuyên và tương tác tốt giữa phụ huynh - giáo viên - học sinh, qua các tài khoản.
“Hiện tại việc dạy Lịch sử rất khó khăn do học sinh không thích. Việc áp dụng phần mềm này thu hút học sinh hứng thú với môn học do bài giảng rất đẹp, kho bài giảng và lượng kiến thức rất phong phú.
Tuy nhiên, ở các trường không có Internet hoặc máy chiếu như ở nông thôn, miền núi rất khó khăn. Đồng thời, giáo viên và học sinh phải được hướng dẫn để quen với CNTT mới tương tác tốt”, giáo viên này cho hay.
Kiến thức lịch sử cổ đại được thiết kế 3D khiến học sinh thích thú.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ (Chủ tịch Hội giáo dục Lịch sử, thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng thẩm định Khoa học “Giáo án điện tử môn Lịch sử” cho biết, phần mềm này đã được thẩm định bởi Hội đồng gồm 15 người, họp từ ngày 12/ 1 đến 16/1 năm 2018 tại Hà Nội.
Theo đó, Hội đồng thẩm định đã thống nhất kết luận, bộ tư liệu bước đầu ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra những tiện ích cho giáo viên và học sinh trong việc dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông.
Hệ thống giáo án mở giúp giáo viên có thể chủ động chỉnh sửa dựa trên những yêu cầu cơ bản phù hợp với khả năng của giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất của các giáo viên ở các vùng miền.
Hệ thống tư liệu lịch sử đầy đủ nhất hiện nay, có tính hệ thống và được sắp xếp theo từng bài học, lớp học, cấp học, phong phú và đa dạng bao gồm: tranh ảnh lịch sử, video lịch sử theo bài học, lược đồ, bản đồ lịch sử, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh khai thác và sử dụng một cách sáng tạo phù hợp với điều kiện của từng đối tượng học sinh.
Bộ câu hỏi kiểm tra đánh giá từ lớp 4 đến lớp 12 môn lịch sử (câu hỏi bài tập, đề kiểm tra, bộ đề luyện thi) đầy đủ, kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm và tự luận, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh chủ động khai thác sử dụng góp phần đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, các thành viên hội đồng đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh bộ tư liệu. Hội đồng thẩm định cũng đề nghị chỉnh sửa một số nội dung để đảm bảo đúng các quan điểm của Đảng, Nhà nước, tính chính xác, khoa học và phù hợp với đối tượng và điều kiện, thực tế của từng vùng miền trong cả nước. Đồng thời xem xét tiện ích của phần mềm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới giảng dạy tại các trường trung học phổ thông.
Theo Mỹ Hà/Dân trí