11
/
59941
Thi tổ hợp vào lớp 10: Yêu cầu tư duy thông minh, không cần học thêm
thi-to-hop-vao-lop-10-yeu-cau-tu-duy-thong-minh-khong-can-hoc-them
news

Thi tổ hợp vào lớp 10: Yêu cầu tư duy thông minh, không cần học thêm

Thứ 4, 11/04/2018 | 07:34:52
1,573 lượt xem

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tháng 9 năm nay, Sở sẽ công bố đề thi minh họa của bài thi tổ hợp. Nội dung của bài thi tập trung vào chương trình GSK lớp 9.

Đây là thông tin được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra trong hội nghị thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019-2020 diễn ra vào chiều nay (10/4).

Tại hội nghị, nhiều ý kiến lo ngại về việc có thêm bài thi tổ hợp bên cạnh bài thi Toán và Ngữ văn như mọi năm trong kỳ thi vào lớp 10 sẽ tạo thêm áp lực thi cử cho học sinh. Bên cạnh đó, học sinh không được quyền lựa chọn bài thi tổ hợp mà sẽ do Sở công bố vào tháng 3 có thể khiến học sinh “trở tay không kịp”.

so giao duc va dao tao ha noi thong tin chi tiet ve bai thi to hop vao lop 10 hinh 1

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) thông tin tại cuộc họp.

Giải đáp những vấn đề này, ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho hay, việc tuyển sinh vào THPT duy trì một cách thức từ 2006, đến nay đã trì trệ, bộc lộ một số mặt hạn chế nhất định. Do đó, cần phải có thay đổi để phù hợp với tình hình. Để chuẩn bị cho sự thay đổi này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chắt lọc, lắng nghe từ các tỉnh để có phương án thi tốt nhất.

“Vậy đổi mới theo hướng nào khi Tiếng Anh các em chưa giỏi, có em còn không biết đến lịch sử dân tộc… Chúng tôi đã theo cách thi tổ hợp để yêu cầu các em học đầy đủ các môn học hơn, không học tủ, học lệch”, ông Toản cho biết.

Cũng theo ông Toản, kỳ thi THPT quốc gia áp dụng bài thi tổ hợp và đã diễn ra thành công. Tuy nhiên, Sở không áp dụng hoàn toàn bài thi tổ hợp như kỳ thi THPT quốc gia, mà có sự trộn lẫn giữa các môn tự nhiên và xã hội trong một bài thi, bởi thi THPT quốc gia ngoài xét tốt nghiệp THPT còn xét tuyển ĐH, CĐ, tức đào tạo ngành nghề phù hợp với sở trường của từng cá nhân. Còn bài thi tổ hợp của Sở nhằm mục đích chủ yếu là kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh ở bậc THCS, gắn với mục tiêu giáo dục học sinh toàn diện. Ngoài ra, điều này cũng sẽ tạo ra sự công bằng cho các thí sinh khi thi.

“Khi đưa ra các phương án này chúng tôi cũng đã dự kiến việc lúc nào công bố đề thi minh họa, hướng dẫn các đơn vị về công tác dạy học sao cho phù hợp”, ông Toản cho biết.

Theo đó, vào tháng 9/2018, thời điểm bắt đầu năm học mới, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ chính thức công bố đề thi minh họa tổ hợp vào lớp 10 THPT để học sinh làm quen và luyện tập.

Bên cạnh đó, có ý kiến thắc mắc rằng, liệu có mâu thuẫn hay không khi tuyển sinh đầu vào yêu cầu mang tính toàn diện, nhưng ở bậc THPT lại học phân hóa theo chương trình mới.

Lý giải về vấn đề này, ông Toản cho rằng: “Ở bậc THCS, học sinh chưa có nhiều hiểu biết, chưa có định hướng rõ ràng về ngành nghề và khi lên bậc THPT các em sẽ định hướng rõ ràng hơn về vấn đề này”.

Áp lực học thêm, dạy thêm?

Từ 2 môn thi tăng lên thành 6 môn thi trong 3 bài thi khiến nhiều người không khỏi lo ngại rằng có thể dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan, quá tải cho học sinh.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết bài thi tổ hợp có thể riêng lẻ từng môn hoặc cũng sẽ có những phần là tích hợp liên môn, chứ không đơn giản là sự cộng ghép cơ học. Ông Quang cũng khẳng định rằng, toàn bộ nội dung kiến thức đề thi sẽ nằm trong chương trình GSK. Do đó, phụ huynh và học sinh không cần áp lực về chuyện học thêm.

 “Học sinh và phụ huynh nghe đến bài thi tổ hợp có cảm giác đề nhiều môn thi thì học sẽ nhiều. Sở cam kết đề thi sẽ đánh giá học sinh một cách toàn diện, đề thi sẽ được ra một cách cơ bản nhất. Học sinh và phụ huynh không nên có suy nghĩ sẽ phải học thêm tất cả các môn, bởi cần nhận thức rằng liệu biết sẽ thi môn nào mà học thêm. Cùng đó, để chống việc có thể bùng phát việc dạy thêm - học thêm, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng nên ma trận đề thi với hệ thống câu hỏi lớn”, ông Quang thông tin.

Đứng trên phương diện là chuyên gia giáo dục và là Hiệu trưởng một trường THPT, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đồng tình với phương án thi vào lớp 10 mà Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra.

“Kiểm tra, đánh giá phải đảm bảo giúp học sinh học một cách toàn diện, hiện nay chúng ta vẫn là thi môn gì chăm chăm học môn đó. Học để đáp ứng nhu cầu thi chứ không phải để phát triển bản thân. Trước đây, để giảm áp lực cho học trò nên mới chỉ tập trung vào các môn Văn, Toán, dẫn đến học sinh bỏ bê những môn học khác.

Còn về việc chấm dứt dạy thêm, học thêm phải là một quá trình. Đề thi tổ hợp sẽ khó dạy thêm bởi đề có nhiều câu hỏi tư duy. Đổi mới cách thi sẽ đổi mới cách dạy. Đề thi có các câu hỏi tư duy, các em sẽ không thể học thêm bởi không thầy cô nào có thể dạy chi tiết tư duy ra sao”, thầy Lâm phân tích./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

  • Từ khóa

Điều chỉnh ma trận đề kiểm tra định kỳ với học sinh THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 22-12 cho biết vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT, hướng dẫn việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS,...
09:31 - 23/12/2024
27 lượt xem

Mở rộng miễn, giảm học phí

Cả nước hiện có 10 tỉnh, thành thực hiện miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông.
08:08 - 23/12/2024
63 lượt xem

Tài chính là điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển giáo dục đại học

Đây là đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi đánh giá 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học 2019-2023.
18:39 - 22/12/2024
387 lượt xem

Giới trẻ Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực tiếng Anh

Các khoa tiếng Anh của các trường ĐH chủ yếu đào tạo về chuyên sâu về ngôn ngữ và giảng dạy, trong khi đó các trung tâm ngoại ngữ mạnh hơn về kỹ năng.
07:51 - 22/12/2024
632 lượt xem

Bạo lực súng đạn đe dọa trường học ở Mỹ

Bạo lực súng đạn tại các trường học ở Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể trong những năm qua, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19.
20:03 - 21/12/2024
931 lượt xem