Cách mạng CN 4.0 là thời của cách mạng khoa học và sáng tạo với hàng loạt công nghệ mới ra đời và giao thoa lẫn nhau. Trong bối cảnh đó, nếu làm theo danh mục ngành Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT thì đang “trói chân”, “trói tay” các nhà khoa học.
>> Quốc hội quyết tiếp tục chi tiền đào tạo tiến sĩ
>> Chính thức ban hành Quy chế mới về đào tạo tiến sĩ
>> Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Ngăn chặn đạo văn
Ngày 10/10/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT (Thông tư 25) “Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ”[1].
Một Giáo sư sau khi nghiên cứu Thông tư 25, liên tưởng đến tuyên bố của Tổng thống Mỹ năm 1972 dùng B52 rải thảm bom để “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, đã đưa ra cảnh báo :”Trong cuộc CMCN 4.0, luận án Tiến sĩ mà bó hẹp trong danh mục ngành của Bộ thì sản phẩm đầu ra của luận án phải cất ngay vào ngăn kéo, vì nếu mang ra ứng dụng sẽ đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Phát biểu trên có phần cực đoan nhưng không phải là không có cơ sở. Bài viết này sẽ phân tích nhằm lý giải một phần cảnh báo trên.
Luận án Tiến sĩ là phải sáng tạo, đóng góp tri thức mới cho kho tàng khoa học của nhân loại.
Công văn 1891- “mở”, Thông tư 25 – “trói”
Giáo dục Đại học thích ứng với CMCN 4.0 theo tinh thần của Công văn 1891 [2] là phải xây dựng chương trình đào tạo giúp người lao động có khả năng chuyển đổi nghề để thích nghi khi công nghệ thay đổi.
Cao hơn, Luận án Tiến sĩ là phải sáng tạo, đóng góp tri thức mới cho kho tàng khoa học của nhân loại. Nhiều luận án Tiến sĩ phải dùng kiến thức của nhiều ngành đào tạo và kết quả nghiên cứu là giao thoa của các ngành khoa học và ranh giới các ngành ngày càng thu hẹp.
Tuy nhiên, theo điều 2 của Thông tư 25 “Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện phân loại, thống kê, bổ sung các ngành mới vào Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Căn cứ các ngành ĐƯỢC PHÉP đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phát triển các chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội”. Trong đó nhấn mạnh cụm từ “CÁC NGÀNH ĐƯỢC PHÉP ĐÀO TẠO”, mặc định của Thông tư 25 là các cơ sở giáo dục đại học chỉ được phép đào tạo các ngành có trong danh mục mà Bộ đã qui định, muốn đào tạo nghành mới phải xin phép.
Bộ Giáo dục trở thành “cảnh sát Giáo dục” có nhiệm vụ “trấn áp” các cơ sở đào tạo nào làm trái thông tư 25. Trong CMCN 4.0, do tiến trình phát triển của xã hội, tên một số chương trình đào tạo có thể không còn phù hợp, một số Trường Đại học khi cấp bằng Thạc sĩ đã thay đổi khác với tên chương trình đào tạo trong danh mục của Bộ cho phù hợp với nội hàm nghiên cứu, lập tức bị “thổi còi”, thanh tra, … và nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra.
Chuyện “dở khóc dở cười”, nhận bằng xong là thất nghiệp.
Công văn 1891 khuyến khích “đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy như tăng cường mô phỏng, số hóa tài liệu học tập, bài giảng, đào tạo theo phương thức trực tuyến …”. Nếu nghiên cứu theo tinh thần của Công văn này tất yếu hình thành nên Chuyên ngành mới “Công nghệ truyền thông giáo dục”, tên quốc tế là Educational Communication & Technology (viết tắt là ECT). ECT là sự kết hợp khoa học liên ngành giữa ngành Công nghệ thông tin và ngành Giáo dục đã được nhiều Trường Đại học trên Thế giới đào tạo [3].
Đáng tiếc trong danh mục của Thông tư 04/2012/TT-BGDĐT (cũ) và Thông tư 25 (mới) không có chuyên ngành này. Muốn đào tạo ECT phải xin Bộ giáo dục mở mã ngành với các thủ tục nhiêu khê vô cũng tốn kém …và quan trọng hơn là rất mất thời gian.
Như phần 1 đã phân tích, trong CMCN 4.0, nếu thời gian mở mã ngành quá lâu, đến lúc được Bộ chấp nhận thì ngành đó đã lạc hậu và chuyển dịch sang ngành mới…. Các cơ sở đào tạo đành phải “treo đầu dê bán thịt chó”, tạm thời chấp nhận lấy tên ngành gần nhất (Khoa học giáo dục) có trong danh mục của Bộ “gán”cho ngành mới ECT.
“Án tại hồ sơ”, các “tân Thạc sĩ”, “tân Tiến sĩ” khi nhận tấm bằng không đúng ECT sẽ không được hành nghề ECT mà phải làm theo nghề ghi trên bằng trong danh mục, trở thành người “dở ông dở thằng”. Một số tân thạc sĩ, tân Tiến sĩ ECT có nguy cơ thất nghiệp.
Một NCS hiện là Giảng viên Đại học kỹ thuật tâm sự, em muốn nghiên cứu ngành “Công nghệ truyền thông Giáo dục” để chuyển đổi bài giảng kỹ thuật lên E-learning nhằm đổi mới phương pháp dạy học ở Trường em, nhưng nếu phải nhận bằng Tiến sĩ tên Khoa học Giáo dục, em sẽ thất nghiệp, phải chuyển khỏi Trường.
Quy định đào tạo Tiến sĩ đang “trói tay” các nhà khoa học
“Bỏ của chạy lấy người”.
Nghiên cứu theo tiếp cận đơn ngành, theo danh mục ngành của Bộ giáo dục qui định đã hằn sâu trong tư duy và nếp nghĩ của nhiều nhà khoa học “bô lão” Việt Nam.
Một tân Tiến sĩ kể về hành trình làm NCS của mình.
Trong buổi bảo vệ đề cương, thành viên Hội đồng đặt câu hỏi:
- Đề tài này có nằm trong danh mục ngành mà NCS đã đăng ký khi làm hồ sơ không?
- Thưa Thầy, đây là đề tài ứng dụng tin học trong lĩnh vực ngành đã đăng ký nên giao thoa với tin học ạ.
- Không được giao thoa như vậy, phải sửa lại đề cương mới được nghiên cứu ở Khoa này.
NCS đành phải chỉnh sửa đề cương theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”, đến ngày bảo vệ, các thành viên Hội đồng tiếp tục “soi” :
- Kết quả đề tài của NCS có đóng góp mới cho tiến bộ khoa học trong lĩnh vực ngành đã đăng ký không?
- Thưa Thầy, kết quả nghiên cứu không chỉ đóng góp cho tiến bộ khoa học trong lĩnh vực ngành đã đăng ký mà nội hàm của nó còn phát triển và làm phong phú cho một lý thuyết trong lĩnh vực ứng dụng tin học.
- Đóng góp mới trong lĩnh vực Tin học như thế nào thì Hội đồng này không biết. NCS phải tách bạch tường minh giữa tin học và chuyên ngành đang nghiên cứu. Nếu không, xin mời NCS sang Hội đồng Tin học bảo vệ.
Do NCS đã có bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI, nên được nhiều nhà khoa học thế giới biết đến. Đang lúc hoang mang không bảo vệ được ở chuyên ngành đã đăng ký, NCS được một Giáo sư Đài Loan mời sang Hội thảo, tại đây NCS đã xin được học bổng ở lại nghiên cứu tiếp và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ ở nước ngoài, một kết quả viễn mãn như mơ.
Kết luận
CMCN 4.0 là thời của cách mạng khoa học và sáng tạo với hàng loạt công nghệ mới ra đời và giao thoa lẫn nhau. Trong bối cảnh đó, nếu làm theo danh mục ngành của thông tư 25, “cảnh sát Giáo dục” đang “trói chân”, “trói tay” các nhà khoa học.
Để tồn tại trong “khuôn viên thông tư 25, các nhà khoa học chỉ còn biết “tái chế rác thải khoa học”. Từ các đề tài khoa học đã được nghiệm thu cất vào ngăn kéo, các giáo viên hướng dẫn và NCS tìm cách “xào nấu tinh xảo” để biến thành một đề tài khác sao cho nội dung nghiên cứu nằm trong danh mục Thông tư 25.Với cách sử dụng “tái chế rác thải khoa học”, không cần đến B52 của Mỹ, sớm muộn Việt Nam cũng trở về “thời kỳ đồ đá”.
Việt Nam đang mở cửa và Hội nhập với thế giới văn minh, Bộ giáo dục phải chuyển chức năng từ “cảnh sát giáo dục” sang đồng hành, mở đường, kiến tạo cho các Trường. Những Đại học đã được giao quyền tự chủ, hãy để Trường quyết định tên ngành đào tạo và tên bằng được cấp.
Bộ giáo dục không cần thiết phải yêu cầu các Trường Đại học làm hồ sơ mở các chuyên ngành đã được các Trường Đại học uy tín trên thế giới đào tạo thử nghiệm. Đó chính là cách tốt nhất để Bộ Giáo dục hoàn thành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
[1]. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-25-2017-TT-BGDDT-Danh-muc-giao-duc-dao-tao-cap-IV-trinh-do-thac-si-tien-si-364013.aspx
[2] https://docs.google.com/viewer?a=v&pid=forums&srcid=MDU3NjcxMzY2MTI3ODA5NzM0OTgBMTIxODM2NjY3NDk5NjU4OTY0OTcBd1dQOG54M3ZBQUFKATAuMQEBdjI
[3]. http://steinhardt.nyu.edu/alt/ect
Theo Ngô Minh Thanh/Dân trí